Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang có chuyến thăm Mỹ kéo dài 3 ngày nhằm nỗ lực “thiết lập lại” quan hệ giữa 2 nước vốn lạnh nhạt nhất trong nhiều thập niên.

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đến Mỹ hôm 19-5. Ảnh: GCIS
Văn phòng Tổng thống Nam Phi trong một tuyên bố cho biết hôm nay 21-5, ông Ramaphosa và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ thảo luận về “các vấn đề song phương” cũng như “các vấn đề toàn cầu quan tâm”. Cơ quan này cho hay, “chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ramaphosa tạo ra nền tảng để thiết lập lại mối quan hệ chiến lược giữa 2 nước”.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1, ông Trump đã triển khai một loạt chính sách kinh tế, giáng đòn mạnh vào Nam Phi. Trong đó gồm các đợt cắt giảm viện trợ toàn diện mà Mỹ công bố sau khi ông Trump ký lệnh hành pháp tạm dừng viện trợ nước ngoài cho tất cả các nước trên thế giới trong ít nhất 90 ngày.
Năm 2023, Mỹ viện trợ cho Nam Phi 462 triệu USD để nghiên cứu và điều trị HIV. Song, kể từ tháng 1, một số chương trình điều trị HIV tại nước này đã bị cắt giảm trong bối cảnh Nam Phi là nơi có số người sống chung với HIV lớn nhất thế giới. Đến tháng 2, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng viện trợ cho Nam Phi, bởi nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cho rằng Nam Phi “phân biệt chủng tộc” khi tịch thu đất đai của người da trắng, đồng thời chỉ trích việc quốc gia lục địa đen này hồi tháng 12-2023 đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Tel Aviv có “hành vi diệt chủng” trong các cuộc tấn công vào Dải Gaza. Động thái này khiến Mỹ, đồng minh và là nhà cung cấp vũ khí chính của Israel, tức giận và lên án “sự hung hăng” của Pretoria.
Bất chấp phản ứng của Washington, Pretoria tuyên bố không rút lại vụ kiện. “Việc chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc đôi khi sẽ phải gánh chịu hậu quả nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết rằng điều này rất quan trọng đối với thế giới và pháp quyền” - Ngoại trưởng Nam Phi Ronald Lamola tuyên bố.
Chưa kể, Nam Phi cũng bị cuộc chiến thuế quan của ông Trump ảnh hưởng. Theo đó, Pretoria hồi tháng 4 đã bị Washington áp thuế 30% đối với tất cả hàng hóa. Riêng các loại xe do Nam Phi sản xuất xuất khẩu sang Mỹ bị áp mức thuế bổ sung 25%. Ông Ramaphosa khi đó mô tả hành động của ông Trump “mang tính trừng phạt” và “là rào cản đối với thương mại và thịnh vượng chung”.
Ngoài ra, ông Trump và ông Ramaphosa cũng sẽ thảo luận xung quanh các nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Lâu nay, Nam Phi chọn cách giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột và kêu gọi 2 bên đối thoại. Theo đó, Pretoria không lên án Mát-xcơ-va hay Tổng thống Vladimir Putin về “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, trong khi giữ quan hệ thân thiện với Kiev. Hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Ramaphosa đã tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Pretoria. Đáng chú ý, vài giờ trước khi gặp Tổng thống Zelensky, nhà lãnh đạo Nam Phi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump và cả 2 đều đồng ý rằng cuộc chiến Nga - Ukraine cần phải chấm dứt.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa 2 nước lại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Trump cho rằng người da trắng tại Nam Phi bị “diệt chủng” tại quê nhà, do đó ông đã cấp quy chế tị nạn cho 49 người Nam Phi thuê chuyến bay riêng đến Mỹ hôm 11-5.
Người da trắng Nam Phi được gọi là Afrikaner, chủ yếu là hậu duệ của những người định cư Hà Lan, Pháp và Đức, những người đầu tiên đến Nam Phi cách đây hơn 300 năm. Cộng đồng này chiếm khoảng 7,2% trong tổng số 63 triệu dân Nam Phi, nhưng sở hữu đến 75% đất tư nhân tại nước này và có tài sản trung bình cao gấp 20 lần người da đen. Chính phủ Nam Phi đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc cho rằng người Afrikaner đang bị đàn áp hay là mục tiêu trong các cuộc tấn công mang động cơ sắc tộc ở các vùng nông thôn.
Nam Phi đang là chủ tịch luân phiên của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2025. Mỹ đã tẩy chay một số cuộc họp của G20 và dự báo Tổng thống Trump có thể không tham dự hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này vào tháng 11 tới.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)