Văn hóa bản địa là yếu tố quan trọng trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Tại Cần Thơ, sản phẩm du lịch văn hóa đang được chú trọng đầu tư và xây dựng.

Đền thờ Vua Hùng là điểm đến trong hành trình tour trải nghiệm du lịch văn hóa tại Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI
Đi đám giỗ bên cồn
“Đi đám giỗ bên cồn” trở thành câu cửa miệng của nhiều du khách khi tham gia trải nghiệm tour Đám giỗ bên cồn - sản phẩm du lịch do Công ty cổ phần thương mại Nụ cười Mê Kông (Nụ cười Mê Kông) phối hợp với các điểm vườn tại cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, thực hiện. Ông Châu Nguyễn Thanh Lâm, đại diện Nụ cười Mê Kông, cho biết: “Đám giỗ bên cồn là một xu hướng được quan tâm mạnh mẽ trên mạng xã hội, do đó Nụ cười Mê Kông đã xây dựng sản phẩm du lịch Đám giỗ bên cồn để mang đến cho du khách trải nghiệm thực tế về nét văn hóa và sinh hoạt đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi phối hợp với nhiều điểm vườn tại cồn Sơn để làm sao du khách có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân, có những trải nghiệm chân thực về đám giỗ miệt vườn sông nước. Tour này hiện thu hút rất nhiều du khách”.
Theo đó, khi trải nghiệm tour này, du khách sẽ hóa thân thành người dân miền Tây với áo bà bà giản dị cùng nhau chuẩn bị quà gồm đường, nước mắm, bột ngọt… tại nhà cô Út rồi di chuyển đến nhà chú Hai để ăn đám giỗ. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm các lễ cúng giỗ và nề nếp sinh hoạt dân gian. Trong ngày này, con cháu khắp nơi sẽ tề tựu về cùng chuẩn bị các nghi thức, mâm quả cho ngày giỗ ông bà tổ tiên.
Tham gia tour Đám giỗ bên cồn, bà Đỗ Thị Kim Chi, Giám đốc Công ty Du lịch Khám phá Mê Kông, nhìn nhận: “Đây là lần đầu tôi trải nghiệm đám giỗ bên cồn, không khí chuẩn bị, cùng làm cùng nấu rất vui và mang đậm nét đặc trưng của Nam Bộ. Bên cạnh các sản phẩm đã có ở cồn Sơn thì tôi cho rằng tour Đám giỗ bên cồn là sản phẩm mới có thể kết nối khai thác và thu hút du khách”. Đồng quan điểm, bà Lê Thị Ngọc Giàu, đại diện Công ty Du lịch Giang Travel, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với hành trình đám giỗ bên cồn. Từ những hoạt động đơn giản như hóa thân thành người dân mặc áo bà ba khoác khăn rằn, chuẩn bị quà cho gia chủ đến việc chung tay chuẩn bị các món ăn, bắt mâm, quây quần trò chuyện tạo nên không khí đám giỗ thực sự. Với người Nam Bộ thì đây là hoạt động rất bình thường nhưng với du khách từ miền khác thì rất là đặc biệt. Đó là giá trị văn hóa đặc trưng của miền Tây và những sản phẩm du lịch như thế sẽ có nét độc đáo riêng để khách lưu luyến”.
Bà Nguyễn Thế Ngọc, nhà vườn Ngân Long Home & Camp - Cồn Sơn, điểm vườn kết nối trong tour Đám giỗ bên cồn, cho biết: “Trong tour đám giỗ, chúng tôi lựa chọn những món ăn xưa làm theo cách dân dã, như lẩu cù lao, thịt kho hột vịt, cà ri, bì cuốn, khổ qua dồn thịt… Du khách và bà con ở cồn Sơn cùng bắt tay làm, mỗi người một việc chuẩn bị cho đám giỗ thật tươm tất. Kết thúc chương trình, gia chủ còn có phần đáp lễ là bánh trái để khách mang về như tấm lòng mến khách, đượm nghĩa tình của người miền Tây”.
Có thể nói, tour Đám giỗ bên cồn là sản phẩm đang có sức hút. Theo chia sẻ của các đơn vị tổ chức, chương trình này đang nhận được nhiều phản hồi tốt. Đây cũng là sản phẩm được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh ở hạng mục Sản phẩm du lịch mới, sáng tạo, độc đáo tiêu biểu tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025.
Phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 có xác định chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam. Theo đó tại Cần Thơ, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đang được xây dựng, vừa góp phần đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, vừa gìn giữ những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử địa phương.

Khi tham gia tour “Ðám giỗ bên cồn”, du khách sẽ hòa vào không khí náo nhiệt, trải nghiệm nhiều hoạt động chuẩn bị mâm, bàn kiểu miền Tây. Ảnh: KIỀU MAI
Ông Mai Ngọc Thuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các chuyến khảo sát để tư vấn, xây dựng sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện kết nối để các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp xây dựng tuyến điểm mới. Từng đợt khảo sát đều có chuyên đề tập trung cụ thể, như lần này là các sản phẩm du lịch văn hóa. Hành trình chợ nổi Cái Răng, Đền thờ Vua Hùng và “Đám giỗ bên cồn” được cân nhắc khảo sát, giới thiệu, kỳ vọng sẽ tạo ra tour đậm chất văn hóa Tây Nam Bộ”. Đáng chú ý, Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ đã đổi mới cách làm, không dừng lại ở khảo sát giới thiệu điểm đến mà còn phối hợp trực tiếp với các đơn vị lữ hành xây dựng sản phẩm đã định hình tour, từ đó góp ý điều chỉnh để hình thành sản phẩm chất lượng, có chiều sâu và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tham gia trải nghiệm hành trình khảo sát, bà Đoàn Thị Tú Trinh, nhân viên Phòng Kinh doanh Khách sạn TTC Cần Thơ, chia sẻ: “Đây là hành trình có chiều sâu văn hóa. Du khách được trải nghiệm nét đặc trưng văn hóa chợ trên sông tại chợ nổi Cái Răng, văn hóa tín ngưỡng và tìm về nguồn cội tại Đền thờ Vua Hùng, sau đó là nếp sinh hoạt, phong tục tập quán đậm nét văn minh miệt vườn ở đám giỗ bên cồn tại cồn Sơn. Những trải nghiệm này sẽ cho du khách khám phá từng nét văn hóa bản địa. Tôi cho rằng sản phẩm này khá thú vị và có thể thu hút du khách”.
Việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa cần có quá trình nghiên cứu và đầu tư. Mỗi một địa phương, điểm đến, di tích, lễ hội… đều chứa đựng trong đó câu chuyện gắn liền những giá trị văn hóa khác biệt. Khi làm sản phẩm du lịch, không đơn giản chỉ là khai thác tiềm năng sẵn có mà còn là quá trình tìm hiểu, kể câu chuyện bằng những trải nghiệm có chiều sâu và sáng tạo. Để làm được điều này, quá trình xây dựng sản phẩm du lịch phải có sự chung tay của những người làm du lịch, chính quyền, đơn vị quản lý điểm đến, cộng đồng địa phương và các chuyên gia văn hóa lịch sử… Cần Thơ cũng đang đổi mới cách làm, quá trình định hình sản phẩm du lịch đều có sự đồng hành tham gia từ các đơn vị lữ hành, chuyên gia, cộng đồng làm du lịch… cùng trải nghiệm, đánh giá và góp ý, từ đó có những điều chỉnh hợp lý để sản phẩm từng bước hoàn thiện, có chiều sâu và đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát huy giá trị văn hóa trong các hoạt động du lịch.