17/05/2024 - 08:18

Quan hệ Israel - Trung Quốc rạn nứt 

Sau thời gian tiếp cận chiến lược với Israel thông qua chính sách ngoại giao cân bằng ở Trung Đông, quan điểm của Trung Quốc dường như đang nghiêng về Iran và các đồng minh trong “trục kháng cự” khi Bắc Kinh củng cố mục tiêu trở thành trung tâm của “Nam bán cầu”.

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau năm 2017. Ảnh: China Daily

Những năm qua, bất chấp cảnh báo của Mỹ về rủi ro an ninh, Israel đã tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc và thu được những khoản đầu tư khổng lồ. Một trong những dự án điển hình là Cảng biển Haifa Bayport do Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải xây dựng ở thành phố Haifa. Hoạt động từ năm 2021, khu cảng này được coi phù hợp với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc khi là cửa ngõ hàng hải quan trọng đến Trung Đông. Năm ngoái, vào thời điểm quan hệ với Mỹ căng thẳng liên quan kế hoạch cải cách tư pháp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho đăng bức ảnh về món quà nhận được từ Đại sứ Trung Quốc là các bản sao có chữ ký trong tuyển tập những bài viết và phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Netanyahu còn thông báo nhận lời mời thăm Bắc Kinh, gián tiếp cho Washington thấy “thái độ thiếu thân thiện của Nhà Trắng” vì lãnh đạo Israel vẫn chưa nhận được lời mời tới Mỹ từ khi Tổng thống Joe Biden thắng cử. Động thái này cũng gửi thông điệp rằng Nhà nước Do Thái có các nguồn hỗ trợ thay thế và không cần phải dựa vào Washington.

Việc Tel Aviv xoay trục chiến lược về Bắc Kinh tuy bất ngờ, nhưng vẫn lý giải được. Từ năm 1950, Israel là quốc gia Trung Đông đầu tiên công nhận chính quyền Trung Quốc về mặt ngoại giao. Trong 30 năm qua, hai bên đã phát triển quan hệ chặt chẽ về kinh tế, công nghệ, an ninh và ngoại giao đến mức gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ. Nhưng nếu chính quyền Thủ tướng Netanyahu tính toán rằng chiến lược tiếp cận Bắc Kinh bất chấp các đồng minh sẽ mang lại kết quả ngoại giao khi cần, thì phản ứng của Trung Quốc đối với sự kiện Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10-2023 cũng như chiến dịch trả đũa của Tel Aviv nhằm vào nhóm Hồi giáo Palestine ở Gaza đã thay đổi hoàn toàn bức tranh này.

Về cơ bản, Trung Quốc không đề cập các cuộc tấn công từ Hamas hay vụ trả đũa bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran nhắm vào Israel, thay vào đó Bắc Kinh phản đối bất kỳ hoạt động quân sự nào của Tel Aviv. Các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở đại lục như Weibo và WeChat cũng tràn ngập chủ nghĩa bài Do Thái. Trước loạt diễn biến trên, Israel đã thể hiện sự bất bình thông qua việc ký tuyên bố chung với hơn 50 quốc gia khác bày tỏ quan ngại về hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương. Tháng rồi, một phái đoàn Quốc hội Israel còn đến thăm Đài Loan và gặp gỡ nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Công chúng Israel hiện cũng chia rẽ về thái độ với Trung Quốc khi một bộ phận người dân tẩy chay các trang mua sắm đại lục trong khi cộng đồng doanh nghiệp địa phương ưu tiên hợp tác với Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn thể hiện vai trò người kiến ​​tạo hòa bình ở Trung Đông nhưng thiếu uy tín do lập trường “phiến diện”. Trong đó, nguyên nhân Trung Quốc đổi thái độ “cân bằng ngoại giao” ở Trung Đông chủ yếu do họ đang tìm cách nâng cao vị thế với tư cách nước dẫn dắt ở Nam bán cầu trước sự nổi lên của Ấn Độ như đối thủ cạnh tranh. Việc tăng cường phối hợp với Iran cũng diễn ra khi cường quốc châu Á mở rộng quan hệ đối tác “không giới hạn” cùng Nga trong “trục kháng cự” nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Yahoo News)

Chia sẻ bài viết