15/05/2024 - 07:47

Trung Quốc phát triển máy bay thân rộng 

Sau khi tự khẳng định là nhà sản xuất máy bay thương mại với việc ra mắt máy bay thân hẹp C919, Trung Quốc đang bắt đầu phát triển C939, loại máy bay thân rộng mới và là chiếc thứ ba trong loạt máy bay chở khách nội địa. Động thái này nêu bật tham vọng của Bắc Kinh trong việc cố gắng chiếm thị phần trên thị trường hàng không công nghệ cao vốn hiện do các tập đoàn phương Tây như Boeing hay Airbus thống trị.

Máy bay C919 của COMAC. Ảnh: AFP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), nơi sản xuất C919, đã phác thảo các thiết kế sơ bộ cho C939 mặc dù phải mất nhiều năm nữa những ý tưởng ban đầu này mới được “hiện thực hóa” thành một nguyên mẫu có thể thử nghiệm được. Nhiều báo cáo cho thấy, C939 sẽ có sức chứa lên tới 400 hành khách và có thể cạnh tranh với chiếc Airbus A350 hay chiếc Boeing 777.

Song song đó, C929, một máy bay thân rộng khác của COMAC cũng được thiết kế để bay các tuyến quốc tế và được suy đoán sẽ “sánh vai” các đối thủ như 787 Dreamliner, loại máy bay 2 động cơ phản lực, thân rộng của Boeing. Ban đầu, C929 được công bố là sản phẩm của sự hợp tác giữa COMAC và Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC, Nga) nhưng sự tham gia sản xuất C929 của UAC đã tạo nên nghi vấn kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Một nguồn tin cho biết, UAC đã rút khỏi chương trình sản xuất C929 nhưng phía COMAC bác bỏ những lo ngại cho rằng điều này sẽ làm trì hoãn việc ra mắt C929. “Việc UAC rút khỏi chương trình sản xuất C929 thực sự có mang lại vài tác động nhưng chúng tôi có thể xử lý được. Đó không hẳn là điều xấu. Công việc đóng C929 vẫn đang được tiến hành và tiến triển suôn sẻ” - COMAC trong một tuyên bố cho hay.

Thật ra, kế hoạch phát triển C939, C929 và C919 là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường dịch vụ hàng không lớn nhất thế giới trong những thập niên tới. Và nỗ lực giành thị phần từ Boeing và Airbus đang bắt đầu có kết quả với C919. Mẫu máy bay đầu tiên của COMAC này có thể chở 192 hành khách trên hành trình lên tới 5.555km, sở hữu kích thước tương tự như chiếc Boeing 737 hay chiếc Airbus A320 và đã hoạt động trên các tuyến nội địa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành hàng không Trung Quốc. Đến nay, COMAC đã bàn giao 5 chiếc C919 cho Hãng hàng không Phương Đông Trung Quốc sau khi nhận được đơn đặt hàng 100 chiếc từ hãng hàng không này. Ngoài ra, 2 hãng hàng không lớn khác của Trung Quốc, gồm Hãng hàng không quốc tế Trung Quốc và Hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc, mỗi hàng cũng đã đặt hàng 100 chiếc C919.

Trước sức hút của C919, COMAC đang mở rộng cơ sở sản xuất tại thành phố Thượng Hải nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như hỗ trợ hoạt động thương mại cho các máy bay cỡ lớn được sản xuất trong nước. COMAC cũng đang tích cực tìm cách nhận được sự công nhận quốc tế dành cho C919, gồm cả chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu. Airbus, Boeing. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ước tính, Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất thế giới về dịch vụ hàng không trong vài năm tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột thương mại ngày càng tăng với phương Tây vốn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp như xe điện hay tấm pin năng lượng mặt trời, nhiều lo ngại cho rằng các biện pháp tương tự có thể được ban hành nhằm hạn chế việc mua sắm linh kiện cho ngành hàng không dân dụng. Do đó, Bắc Kinh đang tìm cách thu hẹp khoảng cách về công nghệ thiết yếu và lên kế hoạch tự cung hầu hết các bộ phận trên C919, từ bộ phận hạ cánh cho đến động cơ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết