17/09/2018 - 16:09

Ô Môn

Quyết liệt ngăn dịch sốt xuất huyết 

Tính từ đầu năm 2018 đến ngày 10-9, toàn quận Ô Môn có 113 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 44 ca so với cùng kỳ 2017. Toàn quận cũng ghi nhận 48 ổ dịch nhỏ, tăng 39 ổ dịch SXH so với cùng kỳ năm 2017. Trước tình hình đó, quận triển khai nhiều đợt chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi... nhằm ngăn chặn SXH lây lan và bùng phát.

Điểm nóng

Số ca bệnh SXH tập trung ở 3 phường: Phước Thới (41 ca, tăng 19 ca so với cùng kỳ 2017), Thới An (20 ca, tăng 2 ca) và Châu Văn Liêm (20 ca, tăng 7 ca).

Đoàn vãng gia kiểm tra dụng cụ chứa nước tại nhà dân ở khu vực Thới Ngươn A.

Tại phường Phước Thới, theo Trưởng Trạm Y tế Đoàn Anh Tuân, SXH bắt đầu tăng từ tháng 6. Khi phun hóa chất diện rộng thì tháng 7 chựng lại, nhưng sang tháng 8 tiếp tục tăng đến nay. Phần lớn ca bệnh tập trung ở 4 khu vực: Thới Ngươn A, Thới Ngươn B, Thới Bình và Thới Lợi. Có gia đình đến 2 -3 con, cháu đều mắc SXH. Cô Nguyễn Thị Nâu, khu vực Thới Ngươn A, cho biết: “Tôi trữ nước máy trong lu để lóng cặn xài và đề phòng cúp nước, cúp điện. Mấy chú ở khu vực, Trạm Y tế kiểm tra, nhắc hoài, cho cá thả vô lu để ăn lăng quăng. Cá nhỏ, tôi súc lu, đi mất tiêu, mấy ổng mới thả cá lại đó”.

Điều đáng lo là dù trong khu vực có nhiều ca bị SXH, nhưng người dân vẫn còn chủ quan. Ông Đoàn Anh Tuân cho biết: Mấy năm trước đây, khi khám bệnh cho người dân, chẩn đoán SXH, họ rất lo sợ và xin chuyển viện lên tuyến trên ngay. Bây giờ y học tiến bộ, tử vong do SXH giảm nên người dân chủ quan, không lo sợ khi nhắc đến SXH. Chính vì lẽ đó, người dân lơ là trong diệt muỗi, diệt lăng quăng. Trong tuyên truyền, cán bộ y tế, khu vực đề cập đến SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu mắc độ nặng, có khả năng tử vong để bà con bớt chủ quan.

Bà Đặng Thị Kiều, ở khu vực Thới Ngươn A, có cháu ngoại bị SXH, cho biết, cháu bị SXH mới xuất viện, bệnh cũng nhẹ. Xung quanh nhà bà Kiều cũng có vài hộ có trẻ bị SXH.  Qua kiểm tra, nhà bà Kiều có nhiều muỗi. Cách nhà bà Kiều vài căn, nhà hộ Võ Thị Ngọc Kết có 3 cháu bé, nhưng trong phòng ngủ, sào treo quần áo có nhiều muỗi. Ông Lê Văn Mách, Trưởng khu vực Thới Ngươn A, cho biết: “Khu vực có 14 ca bị SXH. Bắt đầu tháng 7 tăng đến nay. Phần lớn các ca bệnh nằm gần nhau. Bệnh SXH nhiều là do bà con còn chủ quan, chưa chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi”.

Trước tình hình dịch bệnh tại phường Phước Thới, phường đã thực hiện nhiều đợt ra quân chống dịch. Trong tháng 6, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận, Trạm Y tế khu vực xử lý lăng quăng, phun thuốc diện rộng ở 3 khu vực; thực hiện lần 2 (từ ngày 12-9 đến ngày 14-9), đợt 4. Sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ kiểm tra mật độ muỗi, xem xét chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng (Breteau) đạt theo quy định tiến hành phun thuốc diện rộng.

Nhiều biện pháp ngăn chặn

Theo bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ô Môn, từ đầu năm 2018 đến nay, quận Ô Môn tổ chức 4 chiến dịch phòng, chống dịch SXH và 1 đợt làm riêng ở phường Phước Thới vào tháng 6. Quận huy động trên 3.000 lượt cán bộ, học sinh vận động, vãng gia trên 93.000 hộ gia đình. Kiểm tra, xử lý tại chỗ trên 30.000 dụng cụ chứa nước, vật dụng xung quanh nhà có lăng quăng. Trạm Y tế phối hợp với ban, ngành, đoàn thể của khu vực tuyên truyền, vận động hộ gia đình vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi 100% các ca bệnh. Trung tâm y tế quận phân công cán bộ kết hợp Trạm Y tế, ban, ngành, đoàn thể phường, khu vực vận động và xử lý diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi ở 48 ổ dịch nhỏ SXH, từng hộ gia đình, với bán kính 200m tính từ tâm ca bệnh.

Hiện nay, quận đang thực hiện chiến dịch đợt 5. Toàn quận ra quân 7/7 phường. Trong đó có 4 phường trọng điểm: Thới An, Phước Thới, Châu Văn Liêm và Thới Long.

Lý giải nguyên nhân SXH vẫn tăng, bác sĩ Nguyễn Việt Dũng cho biết, diễn biến thời tiết thất thường, vệ sinh môi trường còn ô nhiễm. Một số cán bộ vãng gia không trực tiếp xử lý các dụng cụ chứa nước có lăng quăng, vật phế thải. Xử lý ca bệnh chủ yếu là cán bộ Trạm Y tế nên gặp khó khăn khi đến tiếp cận các hộ gia đình. Họ thấy người lạ nên không mở cửa hoặc thiếu hợp tác.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch SXH, ngay từ đầu năm 2018, quận Ô Môn đã chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch SXH. Ngày 13-9 vừa qua, quận tổ chức cuộc họp tình hình bệnh SXH và tay chân miệng. Tại cuộc họp, ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn cho biết, dân chưa chủ động phòng bệnh, chủ yếu là do công tác tuyên truyền chưa tốt. Cán bộ ở khu vực gần dân hơn, nên khi vãng gia, huy động tất cả các chức danh ở khu vực tham gia. Khi phun thuốc diệt muỗi, phải thông báo khung giờ cụ thể trước cho khu vực để thông báo đến tận các hộ gia đình.Trong thời gian đi tuyên truyền cần phải tính đến tập quán sinh hoạt của người dân, tránh tình trạng đến khi họ vắng nhà; đồng thời biên soạn tờ rơi thật ngắn, gọn phát cho người dân;  tổ chức xe chạy ở các tuyến dân cư tuyên truyền..., quyết liệt phòng, chống dịch SXH.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết