10/05/2024 - 14:09

Kể cả vitamin, cũng không nên tùy tiện cho trẻ uống! 

Mới đây, một bé 6 tháng tuổi bị ngộ độc do mẹ cho bé uống vitamin D tại nhà, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Còn thống kê tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 16 trường hợp trẻ ngộ độc thuốc phải nhập viện điều trị. Vì thế, BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, khi trẻ bị bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Kể cả vitamin hay thuốc bổ, phụ huynh cũng không nên tùy tiện cho trẻ uống, có thể dẫn đến quá liều, ngộ độc, thậm chí đe dọa tính mạng.

BS CKII Trương Cẩm Trinh, Trưởng khoa Khám BV Nhi đồng TP Cần Thơ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BV.

* Tránh rước họa vào thân

Nhiều cha mẹ hay đến hiệu thuốc mua vài liều cho con uống khi trẻ mắc các bệnh thông thường như ho, sổ mũi, đau bụng,… Tuy nhiên, theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, thói quen này rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ về lâu dài. Trước hết, đó là việc cho con dùng kháng sinh khi không cần thiết, khiến cho các chủng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh. Những lần đầu sử dụng thuốc, trẻ có thể đáp ứng tốt với kháng sinh, nhưng những lần sau sẽ bị nhờn thuốc bởi vi khuẩn đã biến thể.

Ngoài ra, khi sử dung kháng sinh không đủ liều, đủ ngày, có thể dẫn đến trình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, khiến bệnh tật kéo dài hoặc bệnh cũ tái phát. Ngoài ra, phụ huynh không hiểu thành phần chính của thuốc, dẫn đến việc dùng thuốc trùng lặp, gây quá liều và ngộ độc cho trẻ.

Việc phối hợp thuốc không đúng có thể gây ra những phản ứng tương tác thuốc không tốt. Cha mẹ không hiểu mối liên hệ giữa thực phẩm và thuốc, ảnh hưởng đến sự hấp thụ, làm giảm hiệu quả thuốc điều trị. Việc tự ý mua thuốc có thể làm sai chẩn đoán, tư vấn và điều trị dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

Hiện nay, một bộ phận cha mẹ ám ảnh với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, tìm mua các sản phẩm được quảng cáo công dụng giúp trẻ tăng cân nhanh, cao vượt trội. Đa dạng các sản phẩm thuộc nhóm này gồm cả siro, thuốc uống, thực phẩm chức năng, sữa giàu dưỡng chất… Tuy nhiên, tác dụng, hiệu quả thực tế của sản phẩm khó kiểm chứng.

Theo BS Cẩm Trinh, thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc mà bé đang uống hoặc tự nó gây ra một số tác dụng phụ đối với cơ thể của bé. Việc sử dụng vitamin tổng hợp được nghiên cứu là dễ dẫn đến nguy cơ thừa một số chất ở trẻ như sắt, kẽm, vitamin...

Những loại thực phẩm chức năng được cho là giảm cân, đồng thời tăng cường sức khỏe trẻ em có chứa nhiều steroid và những chất tương tự có thể gây hại gan, thận và gây ra những bệnh lý khác. Khi bổ sung thực phẩm chức năng chứa can xi cho trẻ, cần liều lượng phù hợp, vì quá liều có thể dẫn đến thừa can xi khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn, nguy cơ bị sỏi thận, ảnh hưởng về xương...

Tâm lý lạm dụng thực phẩm chức năng cũng khiến cha mẹ không chú trọng đến việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cũng như tuân thủ điều trị.

Chính vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào, kể cả thuốc bổ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần cảnh giác với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên mạng để tránh rước họa vào thân.

* Báo động thực trạng kháng kháng sinh

Việc cho trẻ sử dụng thuốc tùy tiện, liên quan đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng. Theo BS CKII Trương Cẩm Trinh, đây là tác hại nguy hiểm nhất của việc tự ý sử dụng thuốc.

Kháng kháng sinh hay còn gọi kháng thuốc kháng sinh, là tình trạng vi khuẩn kháng lại hiệu quả điều trị của thuốc kháng sinh. Cụ thể là vi khuẩn sẽ thay đổi, làm giảm phần nào hoặc loại bỏ hiệu quả của thuốc kháng sinh dùng để chữa bệnh. Một số tác hại khác của việc lạm dụng kháng sinh ở trẻ em có thể dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, hại gan, thận.

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh ở trẻ em, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh không sử dụng kháng sinh cho trẻ khi không thật sự cần thiết. Khi trẻ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh thì phụ huynh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về thời gian, liều dùng cũng như kết hợp thuốc kháng sinh với các thức ăn, uống thông thường... để thuốc phát huy tác dụng, vi khuẩn không có cơ hội kháng kháng sinh. Đồng thời, giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, yếu tố chống lại các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn và virus.

Hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh sẽ là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh cũng như hạn chế các bệnh nhiễm trùng.

Bác sĩ khuyến cáo về việc sử dụng thuốc ở trẻ:

- Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, dù là thuốc điều trị bệnh, kháng sinh và thuốc bổ, hay thực phẩm chức năng.

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng: liều lượng sử dụng, thời điểm dùng thuốc, đối tượng không được dùng thuốc, phản ứng phụ có thể xảy ra, các tương tác thuốc...

- Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của trẻ sau khi sử dụng thuốc phải báo ngay cho bác sĩ.

 - Khi lỡ cho trẻ uống thuốc quá liều, hãy đưa ngay trẻ đến BV để được khám và theo dõi, điều trị kịp thời.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết