21/04/2024 - 13:37

Phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm 

Thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và làm thức ăn nhanh hư, dễ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo những món chưa nấu chín (như món sashimi, hàu sống), nấu chưa chín kỹ (như trứng lòng đào) hoặc hâm nóng thức ăn thừa cũng làm tăng nguy cơ trúng thực.

Hạn chế ăn hải sản sống để bảo vệ sức khỏe.

Tiến sĩ Shawn Vasoo tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore cho biết “chìa khóa” để phòng tránh ngộ độc thực phẩm là phải sơ chế kỹ, nấu chín và bảo quản thích hợp. Tuy trúng thực nhẹ có thể tự khỏi, nhưng một số trường hợp sẽ phải cần dùng đến thuốc kháng sinh, như khi bị tiêu chảy kéo dài, hoặc nếu tình trạng nhiễm khuẩn đã xâm nhập vào máu hoặc nhiễm trùng đường ruột. Người bị ngộ độc thực phẩm nên đến cơ sở y tế điều trị nếu bị tiêu chảy hơn 6 lần trong 24 giờ, sốt, xuất huyết trong ruột, đau bụng dữ dội hoặc mất nước.

Những điều cần lưu ý khi ăn một số loại thực phẩm

1. Động vật có vỏ (nghêu, hàu, sò, ốc). Nhóm sinh vật này ăn uống bằng cách lọc nước, khiến chúng dễ tích tụ vi khuẩn, virus và chất độc từ môi trường sống (như tảo độc và độc tố sinh học có hại trong nước biển). Vì vậy, ăn động vật có vỏ khi còn sống hoặc chín tái, người dùng có khả năng bị ngộ độc thực phẩm.

Lời khuyên: Nên mua động vật có vỏ tươi sống ở nơi uy tín và tốt hơn hết là nên nấu chín trước khi ăn. Với hàu, chuyên gia sức khỏe khuyến nghị nên chiên (ở nhiệt độ 190oC trong ít nhất 3 phút) hoặc nướng tỏi (ở nhiệt độ 232oC trong ít nhất 10 phút). Đối với các loài động vật có vỏ khác, cần đun sôi cho đến khi vỏ mở ra và tiếp tục nấu thêm ít nhất 3-5 phút nữa hoặc hấp ít nhất 4-9 phút.

2. Cá sống. Với hải sản, đặc biệt là khi ăn sống, người dùng cần lưu ý nguy cơ bị bệnh Anisakis do cá, mực, tôm, cua bị nhiễm ký sinh trùng Anisakis. Giống như động vật có vỏ, cá sống cũng có thể chứa số lượng vi trùng cao hơn nếu không được sơ chế tốt.

Lời khuyên: Chỉ mua cá ăn sống (cá hồi, cá ngừ, cá trích) từ các cơ sở kinh doanh được cấp phép và chứng nhận an toàn. Cách bảo quản cá ăn sống cũng rất quan trọng, tốt nhất là ở nhiệt độ từ 0-4oC trong tủ lạnh. Còn khi nghi ngờ độ tươi của cá, hãy nấu chín kỹ trước khi ăn để tiêu diệt hết vi khuẩn và ký sinh trùng.

3. Trứng lòng đào. Vi khuẩn salmonella là “nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới”. Theo Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), vi khuẩn salmonella có thể hiện diện trong trứng hoặc trên vỏ trứng, do đó dễ gây ngộ độc thực phẩm khi dùng ở dạng lòng đào.

Lời khuyên: Do có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm, phụ nữ đang mang thai, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi nên tránh ăn trứng lòng đào.

Nếu phải thêm trứng sống hoặc trứng vừa chín tới vào thực phẩm khác, hãy sử dụng trứng tiệt trùng (đã được xử lý nhiệt để loại bỏ vi khuẩn). Tốt nhất là nấu chín trứng cho đến khi lòng trắng và lòng đỏ cứng lại. Lưu ý, hãy ăn trứng ngay khi nấu chín. Nếu còn thừa, nên trữ lạnh trứng (dưới 4oC) để tránh vi khuẩn phát triển.

4. Cơm nguội. Cơm nguội là thực phẩm ưa thích của vi khuẩn bacillus cereus, có thể gây ngộ độc thực phẩm. Do bacillus cereus có thể sinh sôi ở nhiệt độ phòng, nên việc để cơm nguội bên ngoài nhiều giờ có thể khuyến khích vi khuẩn này sinh sôi. Hơn nữa, bacillus cereus tạo ra các bào tử có khả năng chịu nhiệt, nên ngay cả khi chiên lại thì cơm này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây trúng thực.

Lời khuyên: Nên trữ cơm thừa trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4oC trở xuống, hoặc giữ nóng ở mức nhiệt từ 60oC trở lên. Việc kiểm soát nhiệt độ tốt như vậy có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và bào tử của nó. Lưu ý, đậy kín cơm nguội khi lưu trữ trong tủ lạnh để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn với các thực phẩm khác. Khi chiên hoặc hâm nóng cơm thừa, hãy bảo đảm nấu kỹ ở nhiệt độ ít nhất 75oC để loại bỏ vi khuẩn.

5. Thịt gà. Thịt gà thuộc nhóm đạm dễ bị ôi thiu, khi vi khuẩn xâm nhập (Salmonella, Campylobacter, Escherichia coli) dễ sinh ra các chất độc. Do vậy, quá trình chế biến và bảo quản thịt gà không kỹ sẽ dễ gây ngộ độc. Thành phần đạm trong thịt gà sẽ bị thay đổi khi để nguội và hâm nóng lại, dễ gây rối loạn tiêu hóa.

Lời khuyên: Thịt gà cần được nấu chín hoàn toàn trước khi ăn. Trong quá trình sơ chế, không nên để thịt sống tiếp xúc với dụng cụ, bề mặt bếp, thớt và các thực phẩm khác vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Tốt nhất là không ăn thịt gà để qua đêm.

AN NHIÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết