11/07/2025 - 16:40

Các bác sĩ ĐBSCL cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh mũi xoang 

(CTO) - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vừa tổ chức chương trình hội thảo khoa học về cập nhật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý mũi xoang - nội soi tuyến nước bọt cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa tai mũi họng vùng ĐBSCL. Dịp này, các bác sĩ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng lần đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật thị phạm nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt.

Nhiều tiến bộ mới

Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và online, bao gồm các bác sĩ và nhân viên y tế đến từ các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng trong khu vực. Đồng thời, sự kiện cũng tạo điều kiện để các bác sĩ tiếp cận với các chương trình đào tạo y khoa liên tục theo hướng hiện đại và tiên tiến.


Hơn 200 cán bộ y tế chuyên khoa tai mũi họng vùng ĐBSCL tham dự hội thảo.

Theo TS.BS Nguyễn Triều Việt, Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hội thảo cập nhật nhiều nội dung chuyên môn quan trọng như: Tổng quan bệnh lý tuyến nước bọt, liệu pháp điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc theo hướng dẫn ICAR 2023, phẫu thuật điều trị viêm xoang trán tái phát và đặc biệt là phẫu thuật thị phạm nội soi lấy sỏi tuyến nước bọt do các chuyên gia đầu ngành thực hiện. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cũng như tại khu vực ĐBSCL, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ứng dụng kỹ thuật cao tại khu vực, giúp giải quyết những nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn lưu tuyến nước bọt hầu như ít xâm lấn.

Đối với bệnh lý tuyến nước bọt, các diễn giả nhắc lại giải phẫu và sinh lý tuyến nước bọt - cơ sở quan trọng giúp hiểu rõ cơ chế hình thành các bệnh lý liên quan. TS.BS Trần Anh Bích, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy nhấn mạnh các nguyên nhân thường gặp gây tắc nghẽn ống tuyến, bao gồm sỏi tuyến nước bọt, hẹp ống tuyến do viêm mạn tính, chấn thương. Điều trị nội soi tuyến nước bọt là một kỹ thuật can thiệp hiện đại, ít xâm lấn, với các chỉ định rõ ràng trong các trường hợp tắc nghẽn cơ học, sỏi tuyến, hoặc hẹp ống tuyến cũng như lưu ý các chống chỉ định của kỹ thuật này.

Đồng thời, BS Bích cũng giới thiệu hệ thống thiết bị nội soi tuyến nước bọt chuyên dụng cùng với các kỹ thuật đang được ứng dụng hiện nay trong chẩn đoán và điều trị tắc nghẽn tuyến nước bọt. Đồng thời, trình bày các phương pháp xử trí biến chứng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và giảm thiểu nguy cơ can thiệp phẫu thuật mở truyền thống.

Đối với bệnh viêm xoang trán tái phát, TS.BS Phạm Thanh Thế, giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đưa ra những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang trán tái phát như: sót các tế bào xung quang ngách trán sau phẫu thuật, sót đầu trên mỏm móc, dính cuốn giữa vào vách mũi xoang, cốt hóa ngách trán, tăng sinh niêm mạc và xơ hóa ngách trán. BS Thế cũng giới thiệu về phương pháp phẫu thuật nội soi giải quyết những tắt nghẽn và mở rộng lỗ thông xoang trán, dự phòng tái phát.

Về bệnh lý viêm mũi dị ứng, TS.BS Nguyễn Triều Việt đã trình bày những cập nhật mới nhất trong liệu pháp điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn ICAR 2023, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng trong việc phối hợp và điều chỉnh phác đồ điều trị theo mức độ triệu chứng và đáp ứng của từng bệnh nhân. Những nội dung này góp phần giúp bác sĩ lâm sàng áp dụng hiệu quả, cá thể hóa điều trị và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

Ca mổ thị phạm

Điểm nhấn chuyên môn nổi bật trong chương trình hội thảo là ca mổ thị phạm kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến nước bọt, một phương pháp can thiệp mới và hiện đại, gần như không xâm lấn vì tiếp cận qua lỗ đổ ra tự nhiên của tuyến nước bọt.


Ê-kíp thực hiện ca mổ thị phạm.

Bệnh nhân L.V.C (58 tuổi), hơn 1 năm qua, bị sưng đau vùng dưới hàm phải, kèm theo nuốt đau bên phải và sốt. Mặc dù đã đi khám và điều trị nội khoa tại nhiều cơ sở y tế nhưng triệu chứng không thuyên giảm. Khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân đến khám tại BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tại vùng tuyến nước bọt dưới hàm phải có một khối kích thước khoảng 1x1cm, mật độ chắc, di động, không đau khi sờ ấn. Bệnh nhân được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng gồm nội soi tai mũi họng, siêu âm Doppler tuyến nước bọt và hạch cổ, chụp CT-Scan vùng đầu cổ. Qua các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán sỏi tuyến nước bọt dưới hàm phải, được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy sỏi.

Ca phẫu thuật do TS.BS Nguyễn Triều Việt, ThS.BS Đỗ Hội cùng ê-kíp BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phối hợp với TS.BS Trần Anh Bích, Phó Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy trực tiếp thực hiện. Ca can thiệp diễn ra trong 2 giờ, với sự hỗ trợ của hệ thống nội soi tuyến nước bọt hiện đại, đảm bảo độ chính xác cao và an toàn cho người bệnh. Đây là ca phẫu thuật nội soi tuyến nước bọt đầu tiên được thực hiện tại BV Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng như tại khu vực ĐBSCL.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết