(CTO) - Thời gian qua, nhiều nơi trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây lo ngại trong cộng đồng về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngâm rửa rau, quả kỹ trước khi sử dụng để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa.
Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm của 15 học sinh tiểu học ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Kết quả điều tra ban đầu, các trẻ này đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường, sau đó có các triệu chứng buồn nôn, nôn nhiều lần, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy…
Từ đầu năm 2024 đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 5 vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm với hơn 2.800 người ăn, hơn 30 người nhập viện. Ở các tỉnh, thành khác, giai đoạn thời tiết nắng nóng vừa qua cũng liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Cuối tháng 3-2024, vụ ngộ độc của 12 học sinh ở tỉnh Khánh Hòa liên quan đến thức ăn trước cổng trường; vụ ngộ độc ngày 30-4 tại tỉnh Đồng Nai với hơn 450 người nhập viện điều trị.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Công điện nêu rõ, thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm còn nhiều. Riêng năm 2023 cả nước ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc, 28 người tử vong.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố... Bộ Y tế thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm. Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm.
Các bộ, ngành liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm. Các địa phương có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố. Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh khuyến cáo:
- Chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn.
- Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch.
- Nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
- Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
- Đậy thực phẩm trong hộp kín, lồng bàn... để tránh côn trùng và các động vật khác.
- Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc khác thường.
- Phản ánh đến đơn vị chức năng nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác.
- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.
THU SƯƠNG