07/05/2024 - 20:14

Nâng cao hiểu biết cho bệnh nhân mắc hen phế quản 

(CTO) - Hen phế quản là trong những bệnh không truyền nhiễm phổ biến nhất thế giới, ảnh hưởng gần 260 triệu người và gây nên 45.000 ca tử vong/năm. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,9% dân số mắc căn bệnh này.

Người bệnh hen suyễn cần tuân thủ uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm soát tốt triệu chứng. Ảnh: THU SƯƠNG

Nhân sự kiện Ngày Hen toàn cầu 7-5-2024, Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu về hen phế quản nhấn mạnh thông điệp về sự cần thiết thúc đẩy người bệnh hen phế quản được trang bị kiến thức quản lý bệnh cũng như tìm sự trợ giúp y tế. Các chuyên gia y tế cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa nhận thức về tỷ lệ mắc và tử vong có thể tránh được do hen phế quản.

Hen phế quản còn gọi là hen suyễn, là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần. Bệnh thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

Khi thời tiết thay đổi đột ngột, bệnh nhân hen phế quản dễ lên cơn hen cấp, rất nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời. Tuy bệnh thường không thể chữa khỏi, nhưng bệnh nhân tuân thủ điều trị có thể kiểm soát các triệu chứng.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh hen suyễn bao gồm: hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng; thực hiện chế độ dinh dưỡng đảm bảo dưỡng chất cần thiết; kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng; thường xuyên dọn dẹp nhà cửa,... Người bệnh cần rèn luyện thể dục, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng giúp cải thiện chức năng hô hấp. Tuân thủ uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ; tái khám đúng hẹn.

THU SƯƠNG

 

 

Chia sẻ bài viết