06/05/2024 - 10:27

Ông Trump lại cảnh báo đồng minh về gánh nặng quốc phòng 

Trừ khi các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng chi tiêu cho quốc phòng, còn không họ sẽ bị buộc phải “tự lực cánh sinh” nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Ảnh: New York Times

Theo hãng tin AFP, tính đến năm 2023, có 11/31 nước thành viên NATO phân bổ ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng theo cam kết từ năm 2014. Những nước không tuân thủ trung bình chi 1,3% GDP cho quốc phòng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, những chỉ trích không chi tiêu đủ cho quốc phòng là “quan điểm hợp lý” bởi các thành viên chưa thực sự chia sẻ gánh nặng một cách công bằng. Nhưng trong tín hiệu lạc quan, ông Stoltenberg hồi tháng 2 cho biết năm nay sẽ có thêm 7 nước đạt chỉ tiêu theo nghĩa vụ đề ra.

Trong bản ghi nhớ gởi tới Quốc hội ngày 30-4, nhóm vận động hành lang của cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo quân đội Mỹ có thể bị buộc tham gia cuộc chiến với Nga nếu các quốc gia NATO không tăng chi tiêu quân sự. Trước đó, một quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu nói rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy một số nước đòi tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% thậm chí 3% GDP. Tuy nhiên, tổ chức Thúc đẩy Tự do Mỹ (AAF) cũng cho biết dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, một số quốc gia NATO như Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Romania và Ý ngược lại đang giảm chi tiêu quân sự xuống gần với mức năm 2014. Xu hướng này đặc biệt đáng báo động ở những quốc gia giáp Nga và Ukraine. Nếu không thể đảo ngược tình hình, AAF cảnh báo chiến lược răn đe của liên minh sẽ thất bại và Nga có thể sẽ tấn công một đồng minh NATO, khi đó Mỹ bị buộc phải tham gia theo cam kết phòng thủ chung.

Về vấn đề này, ông Trump tại cuộc vận động tranh cử vào tháng 2 từng nói rằng sẽ để Nga “làm bất kỳ điều gì họ muốn” với nước thành viên NATO nào không đáp ứng nguyên tắc chi tiêu quốc phòng. Tuyên bố làm dấy lên suy đoán ông Trump có ý định cắt bỏ nguyên tắc phòng thủ tập thể theo Điều 5 của hiệp ước. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã nhiều lần phàn nàn việc Mỹ phải gánh chi phí cho tất cả đồng minh NATO. Năm 2020, ông Trump còn từng nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Time tuần này, ông Trump cho biết vẫn giữ quan điểm trong những nhận xét trước đây. Ngoài ra, nếu đánh bại Tổng thống đương nhiệm Biden trong cuộc bầu cử vào tháng 11, tỉ phú 78 tuổi cảnh báo khả năng Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine sẽ tùy thuộc vào sự đóng góp tương ứng của châu Âu. Không rõ mọi khoản tài trợ có bị chấm dứt hay không, nhưng ông Trump khẳng định Washington sẽ không nhượng bộ trừ khi châu Âu có động thái cân bằng.

Cùng với sức ép lên NATO, cựu Tổng thống Trump cũng ám chỉ việc xét lại hỗ trợ quân sự lâu dài dành cho một số đồng minh, chẳng hạn như sự hiện diện của quân đội Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và theo đánh giá của ông Trump, cơ chế này “không có ý nghĩa” và Washington có thể rút quân nếu Seoul không đóng góp nhiều hơn. Khi còn nắm quyền, ông Trump đòi Hàn Quốc tăng mức đóng góp lên 5 tỉ USD/năm. Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, hai bên đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào tháng 4-2021, theo đó Hàn Quốc đồng ý tăng 13,9% mức đóng góp so với năm 2019. Từ thời điểm trên đến nay, mỗi năm Seoul hỗ trợ Washington khoảng 920 triệu USD.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết