05/05/2024 - 16:59

Nhật Bản tìm giải pháp vực dậy ngành sách 

Nhật Bản vốn là một trong những thị trường sách phát triển mạnh ở châu Á, nhưng những năm gần đây lại có dấu hiệu sụt giảm. Quy mô thị trường ngày càng thu nhỏ, doanh thu giảm liên tục trở thành vấn đề khiến chính phủ và các chuyên gia trong ngành quan ngại và tìm cách giải quyết.

Nhiều hiệu sách truyền thống ở Nhật gặp khó khi kinh doanh sụt giảm.

Theo Viện vghiên cứu xuất bản Nhật Bản, quy mô thị trường sách in và sách điện tử nước này là khoảng 1.600 tỉ yên vào năm 2023 và số liệu này đánh dấu sự sụt giảm nghiêm trọng vốn diễn ra trong ngành sách những năm qua. Vào  năm 1996, thị trường sách của Nhật Bản đạt 2.660 tỉ yên, được cho là thời kỳ đỉnh cao. Theo khảo sát của Hiệp hội ngành xuất bản Nhật Bản, hiện ở Nhật có 7.973 hiệu sách, không bao gồm các hiệu sách cũ và hiệu sách thuộc trường học; giảm 609 hiệu sách so với cuộc khảo sát trước đó vài năm. Shuichi Matsuki, Giám đốc điều hành Quỹ Văn hóa công nghiệp xuất bản Nhật Bản, cho biết: “Việc kinh doanh của các hiệu sách trở nên khắc nghiệt hơn khi chi phí nhân sự luôn tăng trong khi doanh số bán hàng giảm”. Trước đây doanh số bán tạp chí, sách bìa mềm và truyện tranh manga là nguồn thu chính của các hiệu sách. Tuy nhiên, các sản phẩm này không còn lợi thế trong kinh doanh, nhất là khi cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.

Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đang tìm kiếm các biện pháp để vực dậy thị trường sách, đặc biệt là duy trì các hiệu sách truyền thống. Theo đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã thành lập một nhóm dự án vào tháng 3-2024 nhằm tạo điều kiện để các hiệu sách thành cơ sở quảng bá văn hóa trong cộng đồng địa phương. Trong khi đó, các nhà xuất bản lớn cũng bắt tay vào cuộc để ngăn tình trạng các hiệu sách truyền thống liên tục đóng cửa. Cụ thể, một hiệu sách nhỏ từng hoạt động được hơn 40 năm ở Tokyo đã quyết định đóng cửa vào tháng 11-2023 bởi kinh doanh khó khăn. Trung tâm sách Yaesu đã quyết định mua lại hiệu sách này và chuyển đổi hình thức khai thác, đưa chi nhánh mới này đi vào hoạt động vào tháng 2-2024. Hiệu sách ở chi nhánh này rộng 350m2 với đa dạng các loại sách, thu hút đông đảo khách hàng. Bên cạnh đó, hiệu sách dự kiến tổ chức các sự kiện đọc sách để làm mới và thu hút thêm khách hàng. Trong khi đó, nhiều tác giả cũng trở thành nhà đầu tư hiệu sách để duy trì thị trường riêng. Tiểu thuyết gia Shogo Imamura đang điều hành 2 hiệu sách, hiện còn đang tiếp quản thêm một hiệu sách đang trên đà đóng cửa.

Thay vì những hiệu sách đơn lẻ xuất hiện trên đường phố như trước kia, thì Nhật đang tạo điều kiện để các nhà sách xuất hiện ở các khu thương mại phức hợp. Nhiều hiệu sách đã xuất hiện ở các tòa nhà phức hợp sang trọng Roppongi Hills và Azabudai Hills. Giá thuê để đặt các hiệu sách ở đây được cho là thấp hơn nhiều so với các mặt hàng khác bởi các nhà đầu tư của các khu thương mại phức hợp cũng mong muốn tạo điều kiện duy trì các hiệu sách truyền thống cũng như tạo cộng đồng văn hóa đọc mới.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Kyodo News, The Japan Times)

Chia sẻ bài viết