24/02/2013 - 15:38

Mất ngủ và nguy cơ tự tử

Mất ngủ thường khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tâm trạng và khó tập trung cho công việc. Nghiêm trọng hơn nữa, một nghiên cứu gần đây cho biết những người mất ngủ thường có nguy cơ tự tử cao hơn so với những người bình thường.

Nguy cơ tự tử do mất ngủ kéo dài

Theo Tiến sĩ W. Vaughn McCall, giáo sư Trường Y Georgia thuộc Đại học Georgia Regents (Mỹ) thì chứng mất ngủ và hay gặp ác mộng là một trong các yếu tố dẫn đến nguy cơ tự tử. Tiến sĩ McCall lưu ý, nghiên cứu lần này không chỉ khẳng định lại mối liên hệ trên mà còn bổ sung một lập luận khác. Theo đó, mất ngủ không phải là hiện tượng liên quan đến những hình thái cảm xúc lo lắng cụ thể, chẳng hạn về các mối quan hệ cá nhân hay nghề nghiệp mà nó thực chất là một chứng bệnh. Thậm chí, không thể ngủ được còn có thể dẫn đến rất nhiều dạng cảm xúc bi quan và chính cảm xúc đáng sợ đó là nguy cơ nghiêm trọng khiến con người muốn tự tử. Dựa trên thống kê, Tiến sĩ McCall cho biết các trường hợp tự tử ở người mắc triệu chứng mất ngủ cao ít nhất gấp đôi so với người bình thường.

Chúng ta có thể đẩy lùi chứng mất ngủ bằng cách tăng cường dùng
các loại thực phẩm giàu vitamin C. Ảnh: Saudi Primary Health Care

Nhận xét trên được rút ra từ quá trình nghiên cứu bằng cách đánh giá trạng thái tinh thần của 50 bệnh nhân bị trầm cảm độ tuổi từ 20 đến 80. Các chuyên gia phát hiện, hơn một nửa trong số đó đã cố tự tử và hầu hết đều đang dùng thuốc chống trầm cảm. Qua nghiên cứu, các chuyên gia còn có thể sàng lọc những nguy cơ tự tử khác nhau cũng như hiểu thêm về mối liên quan giữa mất ngủ và nguy cơ tự tử. Tiến sĩ McCall nói rằng, tình trạng mất ngủ ngày càng tăng có thể khiến suy nghĩ ở người bệnh ngày càng tiêu cực. "Tất cả những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến giấc ngủ được gọi là rối loạn chức năng suy nghĩ - yếu tố trung gian này có thể giải thích tại sao mất ngủ và nguy cơ tự tử có mối liên hệ với nhau"- Tiến sĩ McCall kết luận.

Các giải pháp chữa mất ngủ

Chuyên gia McCall cho rằng khi được chẩn đoán mất ngủ, người bệnh nên tuân thủ một số qui tắc bao gồm thức dậy đúng giờ (dù đêm trước ngủ trễ), không dùng thức uống chứa caffêin, bia rượu hoặc hút thuốc lá, tích cực tập các bài tập thể dục có ích cho tim mạch trước khi ngủ khoảng 4 tiếng và nên ăn tối sớm để dạ dày có thời gian tiêu hóa tốt hơn.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) còn tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa chế độ ăn uống với một giấc ngủ lành mạnh. Họ cho rằng các hợp chất dinh dưỡng mà chúng ta hấp thụ mỗi ngày đóng vai trò rất quan trọng đối với giấc ngủ.

Những người tham gia được yêu cầu cung cấp chi tiết khẩu phần ăn trong ngày. Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích mối liên hệ giữa chất lượng giấc ngủ với chế độ ăn uống tổng thể (bao gồm hàm lượng chất dinh dưỡng và lượng calorie), sau khi đã tính đến hoàn cảnh kinh tế xã hội, hoạt động thể chất và các yếu tố khác của người tham gia. Họ phát hiện, sự khác biệt được tìm thấy liên quan đến nhiều loại chất dinh dưỡng, bao gồm prôtêin, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

Theo đó, nhóm tiêu thụ lượng calorie nhiều nhất là người ngủ kém nhất. Bên cạnh đó, những người thiếu vitamin C (có trong cam, bông cải xanh, ớt và các loại rau lá xanh sẫm), khoáng chất selenium (các loại hạt, thịt, tôm, cua, sò, hến) và lycopene (có trong thực phẩm màu đỏ và cam) cũng thường bị mất ngủ. Ngoài ra, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và dưỡng chất choline (nhiều trong trứng và thịt) cũng khiến giấc ngủ gián đoạn giống như những tác nhân khác là sôcôla, trà và rượu.

Ngược lại, những người có giấc ngủ ngon thường có chế độ ăn uống cân bằng và chứa nhiều thực phẩm giàu vitamin C. Đặc biệt, những ai có chế độ ăn lành mạnh với thực phẩm đa dạng cũng ngủ tốt hơn so với số người tuân thủ khẩu phần ăn hạn chế có xu hướng hay bị mất ngủ. "Nhìn chung, chế độ ăn uống ở những người ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm rất khác biệt so với những người ngủ ít hoặc nhiều hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Michael Grandner kết luận.

Mặc dù nhiều người trong chúng ta vốn đã nhận ra mối quan hệ giữa thức ăn và giấc ngủ, tuy nhiên vẫn có rất ít nghiên cứu khoa học thực sự khám phá mối tương quan này. Do đó, đây sẽ là lĩnh vực quan trọng cần nghiên cứu sâu hơn khi chúng ta biết rằng ngủ ít cũng là một trong nhiều yếu tố dẫn tới việc tăng cân và mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường và tim mạch.

VI VI (Theo Dailymail, Psychcentral)

Chia sẻ bài viết