05/05/2024 - 16:32

Tầm soát chủ động để giảm bệnh lao trong cộng đồng 

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 11.000 người tử vong vì bệnh lao. Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Vì vậy, chương trình chống lao được triển khai chủ động tầm soát lao ở cộng đồng nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm nguồn lây.

Chụp X-quang phổi tầm soát lao tại cộng đồng. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lao lây qua đường không khí khi người mắc lao phổi ho, hắt hơi, khạc nhổ hoặc nói chuyện khiến vi khuẩn lao phát tán. Số lượng vi khuẩn phát tán phụ thuộc vào hoạt động. Bệnh lao không lây qua di truyền, qua hành động bắt tay hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân.

Diễn biến và các biểu hiện của bệnh lao rất khó nhận biết, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh phổi khác. Khi bị ho, nhiều người thường tự ý mua thuốc uống, một thời gian không hết ho mới đi khám bác sĩ tư hoặc đến bệnh viện. Thêm vào đó, sau đại dịch COVID-19, nhiều người thấy lói ngực, ho, thì chỉ nghĩ đến hậu COVID-19, tự mua thuốc uống chứ không nghĩ đến trường hợp mắc lao. Khi đến cơ sở y tế chụp X-quang, xét nghiệm thì mới phát hiện mình bị mắc bệnh lao. Lúc này, có thể đã lây cho người thân và cộng đồng.

Những năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện tầm soát lao ở cộng đồng dân cư. Bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Phó trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho biết, tầm soát bệnh lao tại cộng đồng giúp y, bác sĩ tiếp cận người dân cũng như đưa những kỹ thuật hiện đại phát hiện bệnh lao đến gần với người dân. Trong năm 2023, bệnh viện phối hợp tổ chức 8 đợt, với 86 ngày sàng lọc lao tại cộng đồng. Qua đó, 16.736 người bệnh được khám sàng lọc, phát hiện 203 ca lao các thể. Thu dung và điều trị trên 95%.

Trước khi tổ chức đợt sàng lọc lao, nhân viên y tế chương trình lao phối hợp địa phương tuyên truyền đến người dân về các triệu chứng nghi lao, mức độ nguy hiểm của bệnh, biện pháp phòng bệnh... Ðồng thời, mời các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao (người có bệnh lý nền, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, làm việc trong môi trường bụi phổi...) đi khám tầm soát lao chủ động. Tại các buổi sàng lọc, người dân được chụp X-quang miễn phí, nếu X-quang có bất thường, thu thập mẫu đàm, đem về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi làm xét nghiệm để chẩn đoán khẳng định bệnh nhân lao. Trong các đợt này, Bệnh viện cũng kết hợp tầm soát lao tiềm ẩn cho đối tượng nguy cơ cao.

Hiện nay, bệnh nhân lao được nhận thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế là chủ yếu. Ngoài ra, vẫn còn một cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (nguồn tài trợ). Vì vậy, đến nay, bệnh nhân lao được nhận thuốc điều trị lao hoàn toàn miễn phí tại trung tâm y tế hoặc trạm y tế.

Năm 2024, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch và tổ chức tầm soát lao chủ động tại những khu tập trung và tiếp tục sàng lọc lao chủ động ở các địa phương có dịch tễ lao cao như quận Ninh Kiều và Cái Răng.

Các bác sĩ khuyến cáo, những người mắc bệnh lao thường có các biểu hiện: ho kéo dài trên 2 tuần, có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu; có thể kèm các dấu hiệu: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi vào ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc lao, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Những người có nguy cơ cao bị bệnh lao là: người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao; người mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, suy thận mạn, bụi phổi...); người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (ung thư, người nhiễm HIV, điều trị corticoid…); người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, người đã có tiền sử điều trị lao.

Người mắc lao chỉ đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn còn lây - thường trong tháng đầu điều trị. Người mắc bệnh lao phổi cần thực hiện vệ sinh ho khạc đúng cách như sau: dùng khăn giấy/giấy vệ sinh để che miệng, mũi khi ho khạc rồi nhổ vào khăn giấy. Hủy ngay khăn giấy bằng cách đốt hoặc hủy trong bồn vệ sinh tự hoại. Rửa tay bằng xà phòng. Trường hợp không kịp lấy khăn phải che miệng bằng cánh tay, sau đó phải thay giặt áo.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết