24/05/2025 - 21:47

Mùa mưa, cẩn trọng với bệnh sốt xuất huyết 

Mùa mưa cũng là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH), dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống. Ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động một số biện pháp phòng, chống dịch SXH trong mùa mưa.


Cộng tác viên tuyên truyền phòng bệnh SXH cho người dân phường An Bình, quận Ninh Kiều.

 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2025 đến ngày 22-5, thành phố ghi nhận 239 ca mắc SXH, giảm 22 ca so với cùng kỳ 2024. Cụ thể: Ninh Kiều 65 ca, Bình Thủy 48 ca, Cái Răng 17 ca, Ô Môn 19 ca, Thốt Nốt 18 ca, Cờ Ðỏ 8 ca, Thới Lai 14 ca, Phong Ðiền 35 ca, Vĩnh Thạnh 15 ca. Theo BS CKI Lê Phúc Hiển, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, mùa mưa là mùa cao điểm của dịch SXH. Quy luật hằng năm SXH tăng từ tháng 6 đến tháng 11. Vì thế, mùa mưa, người dân cần cảnh giác cao với căn bệnh này.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh SXH: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,… Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Sở Y tế TP Cần Thơ cũng vừa ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH (15-6). Thời gian thực hiện từ 2-6 đến 30-6-2025. Các hoạt động gồm: triển khai kế hoạch (thành phố, huyện và xã); vãng gia; truyền thông; điều tra, kiểm tra mật độ muỗi và chỉ số Bréteau (BI - dụng cụ chứa nước có lăng quăng) trước chiến dịch; tập huấn chẩn đoán, điều trị SXH cho cơ sở y tế và kiến thức phòng, chống SXH, kỹ năng truyền thông và phương pháp kiểm tra, giám sát cho các quận, huyện. Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận, huyện phân công cán bộ kiểm tra sau chiến dịch. CDC Cần Thơ sẽ phân công cán bộ kiểm tra, giám sát các hoạt động trước, trong và sau chiến dịch tại các địa phương.

Với hoạt động vãng gia, tại các ấp, khu vực, phân công cán bộ chia nhóm đến nhà dân để kiểm tra vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh hoặc những việc cần cải thiện. Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, ngoài truyền thông gián tiếp qua loa, đài, băng rôn, tờ rơi... ngành y tế đề nghị các trường học tập huấn phòng, chống SXH cho giáo viên (lồng ghép sinh hoạt chính trị hè); treo băng rôn trước cổng trường; phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế truyền thông cho học sinh trong giờ sinh hoạt dưới cờ; phát loa truyền thông giờ phụ huynh đón học sinh tan học và dán thông tin phòng, chống bệnh SXH ở góc truyền thông của các trường.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết