11/05/2025 - 09:07

Hiểu rõ, xử lý đúng đối với đột quỵ 

Ðột quỵ hiện vẫn là một trong những căn bệnh gây ám ảnh hàng đầu, cả về nguy cơ tử vong cao cũng như biến chứng tàn tật khó hồi phục. Theo các thống kê y tế, tình trạng đột quỵ ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Các chuyên gia y tế cảnh báo những nguyên nhân tiềm ẩn gia tăng nguy cơ dẫn đến đột quỵ, giải thích, hướng dẫn cách xử trí, cấp cứu các trường hợp đột quỵ nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên tầm soát sức khỏe định kỳ.

Theo PGS.TS.BS Lê Văn Minh, Trưởng Bộ môn Thần kinh, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, mặc dù đột quỵ không còn xa lạ với cộng đồng và ngành y tế, các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên, liên tục thông tin về bệnh lý này nhưng vẫn tồn tại nhiều quan niệm, cách hiểu sai lầm trong việc tiếp cận, nhận biết cũng như chẩn đoán và xử trí ban đầu đối với đột quỵ. Nhiều người cho rằng, đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi nên không ít người bệnh trẻ tuổi chậm được đưa đến cơ sở y tế có trung tâm đột quỵ. Bệnh nhân mất cơ hội được điều trị trong thời gian vàng, ảnh hưởng khả năng hồi phục. Khi bệnh nhân có những dấu hiệu điển hình của bệnh đột quỵ: mặt bị xệ, lệch sang một bên, bất thường ở cử động tay chân, bỗng dưng nói ngọng, nói đớ khó nghe... cần nhanh chóng đưa đến trung tâm đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến “Đột quỵ ở người trẻ: Nhận biết sớm, phòng ngừa hiệu quả”, PGS.TS.BS Lê Văn Minh gợi ý các dấu hiệu phân biệt đột quỵ với các bệnh lý khác. Đột quỵ là cơ chế bệnh sinh ra do tình trạng tắc nghẽn mạch máu hay là sự phá vỡ mạch máu và thường có những biểu hiện khu trú gồm yếu liệt chi, bất thường ở một bên cơ thể. Trong khi đó, ở bệnh nhân tuột đường huyết cũng có những biểu hiện bủn rủn tay chân nhưng lại mang tính chất toàn thể, như kèm theo các dấu hiệu hoa mắt, vã mồi hôi, rối loạn tri giác, thậm chí hôn mê. Còn đối với bệnh động kinh, được nhận biết qua những cơn co giật ngắn, diễn ra trong tích tắc, với các biểu hiện như mắt trợn trắng, tay co, chân duỗi. Bệnh nhân thường mất ý thức trong các cơn co giật và hồi phục liền sau đó. Nhiều trường hợp nhầm lẫn đột quỵ với tình trạng méo miệng, nói ngọng do liệt thần kinh số 7 hay bị trúng gió theo cách gọi dân gian. Vì vậy, khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ đột quỵ đều cần đưa đến trung tâm đột quỵ gần nhất để chẩn đoán xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Nhiều người lo lắng rằng căng thẳng tinh thần do áp lực cuộc sống, công việc hay thức khuya thường xuyên có thể dẫn đến đột quỵ. Theo PGS Lê Văn Minh, vấn đề sức khỏe tinh thần có liên quan đến việc gia tăng các nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Tinh thần căng thẳng kéo dài kéo theo hàng loạt phản ứng của cơ thể, trong đó có biến động về huyết áp đột ngột, lâu ngày không kiểm soát có thể dẫn đến đột quỵ vỡ mạch máu não. Trong thực tế, có những trường hợp chơi game thâu đêm dẫn đến suy kiệt cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, khiến bệnh nhân đột quỵ. Việc dùng thuốc cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, như các thuốc tránh thai, thuốc giảm cân. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên thận trọng khi sử dụng thuốc, tuân thủ theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nhiều người cho rằng có thể đánh giá nguy cơ đột quỵ bằng động tác giữ thăng bằng trên một chân. Theo bác sĩ, thử nghiệm này không có căn cứ khoa học, vì khả năng giữ thăng bằng của mỗi người tùy thuộc vào cấu trúc cơ xương khớp, các bệnh lý về mạch máu, sức khỏe toàn thân,… chứ không đánh giá được nguy cơ đột quỵ.

Theo PGS Lê Văn Minh, nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến đột quỵ là tình trạng xơ vữa, tắc nghẽn lòng mạch máu. Trong số các nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn có liên quan đến lối sống của người trẻ lạm dụng các chất kích thích, các chất gây nghiện, như rượu, bia, thuốc lá, ma túy… Thuốc lá được xác định là thủ phạm chính khiến mạch máu xơ vữa. Ngoài thuốc lá, các chất kích thích, gây nghiện khác còn làm tăng huyết áp đột ngột và tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, gây đột quỵ nhồi máu não hay xuất huyết não. Trong cơ chế hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch máu, bệnh cảnh đái tháo đường và các vấn đề về tim mạch cũng được gọi tên, là nguyên nhân gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là ở người trẻ tuổi.

Đối với người bệnh đột quỵ, việc xử trí ban đầu trước khi đến bệnh viện rất quan trọng. Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ, người thân, người xung quanh cần lưu ý tư thế của bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên để tăng tiết đàm vãi, hạn chế tình trạng viêm phổi hít. Người sơ cứu quan sát lấy ra răng giả hoặc thức ăn hay bất cứ dị vật nào có trong miệng bệnh nhân để ngăn tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp. Bác sĩ cảnh báo không được vắt chanh vào miệng người bệnh hay cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì vì khi đó bệnh nhân không thể thực hiện phản xạ nuốt, có thể gây tắc nghẽn đường thở, khiến tình trạng đột quỵ nặng nề thêm.

PGS Lê Văn Minh khuyến cáo đến cộng đồng: Đột quỵ không chừa bất kỳ ai, bất kỳ giới tính nào, độ tuổi nào. Đặc biệt, bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa và nguy cơ mắc bệnh liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng chất kích thích liên tục, trong thời gian dài. Người trẻ bị đột quỵ có liên quan đến bệnh lý tim mạch và những bệnh mạch máu dị dạng. Hiện nay, có nhiều phương pháp tiến bộ để tầm soát hiệu quả bệnh đột quỵ. Khi không may người thân bị đột quỵ nên nhanh chóng đưa đến những trung tâm đột quỵ càng sớm càng tốt để kịp thời chữa trị trong thời gian vàng.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết