06/05/2024 - 17:15

Bác sĩ xử lý rận mi chi chít trên mắt bệnh nhi 

(CTO) - Lúc 22h đêm 5-5, bệnh nhi H.B.H (5 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ) được người thân đưa đến Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ cầu cứu bác sĩ do tình trạng ngứa mi dữ dội khiến bé dụi mắt liên tục. Lập tức, các bác sĩ thăm khám, nhanh chóng xử trí, điều trị cho bé ngay trong đêm.

Người nhà cho biết, trước khi đến BV, bé thường xuyên dụi mắt, trên lông mi có nhiều vật thể bám vào. Cha mẹ đã nhỏ nước muối sinh lý cho bé nhưng triệu chứng không giảm.

Qua thăm khám, BS Lê Viết Pháp, Quyền Trưởng khoa Khám và Cấp cứu BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ phát hiện mí mắt bé có nhiều rận, tiến hành loại bỏ rận, trứng rận và hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh cách chăm sóc mắt cho trẻ để tránh lây lan và tái nhiễm bệnh.

Rận mi khiến bệnh nhi không chịu nổi, nửa đêm gia đình phải đưa trẻ đi cấp cứu.

Sau điều trị, bé thuyên giảm các triệu chứng khó chịu, không còn dụi mắt liên tục. Gia đình bệnh nhi đã bày tỏ lòng cảm ơn đến bác sĩ điều trị và ê-kíp trực của BV.

Bệnh nhi được bác sĩ tiếp nhận điều trị bệnh rận mi trong đêm. 

BS Lê Viết Pháp cho biết, rận mi là một loài động vật chân đốt hút máu ký sinh ở người, còn có tên khoa học là Pthirus pubis. Rận mi ở trẻ có thể lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc giữa cha mẹ bị nhiễm bệnh và con cái của họ hoặc lây truyền gián tiếp qua quần áo hoặc khăn tắm bị nhiễm.

Rận mi thường sống trong lông mu nhưng cũng thường thấy ở vùng có lông khác như ngực, nách và mi mắt.

Các triệu chứng bao gồm kích thích mạn tính và ngứa mi, do khi rận hút, nước bọt của chúng sẽ gây dị ứng. Phân và nước bọt của rận có thể gây ra viêm kết mạc hoặc viêm giác mạc.

Một số triệu chứng cần lưu ý khi bị rận mi: Ngứa râm ran đến dữ dội, khiến người bệnh không kiềm chế được hành động dụi mắt; nổi mẩn đỏ vùng mi mắt; sưng, nặng mi mắt, chảy nước mắt hoặc có ghèn khi thức dậy buổi sáng.

Qua trường hợp trên, BS Lê Viết Pháp khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý trong điều trị và thói quen sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe mắt của trẻ nhỏ: Sử dụng thêm một số loại sữa tắm, dầu gội diệt khuẩn để hỗ trợ loại bỏ rận. Quần áo, ga giường, vỏ gối và khăn tắm nên được giặt ở nhiệt độ 50oC trong nửa giờ, sau đó sấy khô trong 10 phút để loại bỏ cả rận và trứng rận. Loại bỏ rận và trứng trên mi mắt bằng nhíp và sử dụng một số thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cần điều trị cho bệnh nhân và các thành viên trong gia đình để được giải quyết dứt điểm, tránh việc lây lan và tái nhiễm.

Ngoài ra, khi có các triệu chứng bất thường về mắt, như cộm xốn, đau nhức, nhìn mờ hay tầm nhìn bị cản trở, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết