25/07/2025 - 09:06

Ngành Y tế Cần Thơ chạy nước rút thực hiện bệnh án điện tử 

Theo lộ trình, đến ngày 30-9-2025, các bệnh viện (BV), trung tâm y tế ở TP Cần Thơ chính thức vận hành bệnh án điện tử (EMR). Hiện có 3 đơn vị triển khai thành công EMR, gồm: BV Ða khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, BV Hoàn Mỹ Cửu Long và Trung tâm Y tế khu vực Ô Môn. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang chạy nước rút để kịp lộ trình triển khai EMR.

Bác sĩ thực hiện bệnh án điện tử. 

BV đầu tiên thực hiện thành công EMR

BV Ða khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ là BV đầu tiên tại Cần Thơ thực hiện thành công mô hình EMR, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành y tế. Tại các phòng khám ngoại trú của BV, mọi hoạt động chẩn đoán, chỉ định điều trị và xét nghiệm đều được thực hiện trên nền tảng số. Các bác sĩ sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận, bệnh nhân chỉ cần điểm chỉ trên thiết bị để lấy dấu vân tay điện tử. Các thao tác này được thực hiện một cách chuyên nghiệp và thuần thục, mang lại sự tiện lợi cao.

Theo BS CKII Lê Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Quản lý chất lượng, BV đã chính thức vận hành EMR từ ngày 6-6-2025 và được Bộ Y tế công bố. Tất cả hồ sơ bệnh án nội trú và ngoại trú của bệnh nhân đều được lưu trữ theo quy định, cả tại chỗ và trên nền tảng đám mây. BV đang hoàn tất thủ tục pháp lý cần thiết để thống nhất với cơ quan Bảo hiểm Xã hội giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dựa trên EMR. Trước khi triển khai EMR chính thức, BV đã số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án, giúp lưu trữ thông tin liên tục và thuận tiện. Bệnh nhân khi đến khám không cần mang theo giấy tờ cũ, kết quả xét nghiệm hay chẩn đoán trước đó, vì mọi dữ liệu đều có sẵn để bác sĩ tra cứu.

Một điểm nổi bật nữa là hệ thống phòng máy chủ được đầu tư đạt tiêu chuẩn tương đương TIER 2, với mô hình High Availability (sẵn sàng cao, hoạt động liên tục ngay cả khi xảy ra sự cố). Hạ tầng bao gồm sàn nâng chuyên dụng, hệ thống phòng cháy chữa cháy bằng khí sạch, nguồn lưu điện 20kVA, chống sét lan truyền, kiểm soát truy cập, giám sát môi trường, điều hòa luân phiên và lưu trữ ảo hóa qua SAN/NAS. Phần mềm tích hợp các module HIS (Hệ thống Quản lý thông tin BV), với chức năng kiểm soát kê đơn, chỉ định cận lâm sàng, tương tác thuốc, quản lý định mức và quản trị BV.

Mặc dù sở hữu trang thiết bị y tế hiện đại và tự động hóa, giai đoạn đầu triển khai EMR, BV cũng gặp không ít thách thức: thiếu kinh nghiệm, khung pháp lý chưa hoàn thiện và những khó khăn khi phải thay đổi thói quen hằng ngày của nhân viên. Tuy nhiên, lợi ích lâu dài là động lực chính. Ðối với lãnh đạo BV, EMR cho phép quản lý toàn diện hoạt động, tra cứu dữ liệu, thống kê và báo cáo nhanh chóng. Bác sĩ cũng tiếp cận đầy đủ lịch sử bệnh nhân, kết quả cận lâm sàng và lâm sàng. Bệnh nhân được giảm thiểu thủ tục giấy tờ, đặc biệt khi hệ thống EMR liên thông giữa các BV trong tương lai.

Mục tiêu chính của EMR là thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy bằng hệ thống điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và hướng tới mô hình BV thông minh. Ðể đạt được điều này, BV tập trung hoàn thiện phần mềm, triển khai các hệ thống như HIS, LIS (Hệ thống Quản lý xét nghiệm), RIS/PACS (Hệ thống Quản lý hình ảnh và lưu trữ), đồng thời đảm bảo kết nối liên thông theo tiêu chuẩn. BV hướng tới đạt mức 6 theo Thông tư 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, đồng thời phát triển các ứng dụng như kiosk thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khám chữa bệnh.

Quá trình triển khai EMR được thực hiện theo lộ trình rõ ràng từ năm 2018 đến 2025. Giai đoạn 2018-2022, tập trung tích hợp HIS với LIS và PACS, triển khai tường lửa, nâng cấp HIS và phần mềm giám sát mạng. Giai đoạn 2023-2024 bao gồm lập kế hoạch EMR, chọn giải pháp và xây dựng hồ sơ an toàn thông tin. Năm 2023, BV cử cán bộ tham gia đào tạo về số hóa và quản lý hồ sơ điện tử, đồng thời tổ chức tham quan các đơn vị tiên phong như BV Ðại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y khoa Hòa Hảo TP Hồ Chí Minh, BV Tâm Anh, BV Quân Y 175, BV tư nhân Nhật Tân (An Giang), BV trực thuộc Trung tâm Y tế và Sức khỏe toàn cầu Nhật Bản (NCGM) và BV Ðại học St. Marianna (Nhật Bản).

BV ứng dụng phần mềm đồng bộ, bao gồm quản lý thông tin bệnh nhân qua HIS, LIS, PACS, EMR với chữ ký số, quản lý kho hồ sơ số, cùng các tiện ích như đặt lịch khám trực tuyến, kiosk tự động và thanh toán không tiền mặt. Từ thành công của EMR, BV Ða khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ đang hướng tới xây dựng mô hình "BV thông minh". 

Phòng máy chủ ở BV Hòa Hảo - Medic Cần Thơ.

Các cơ sở y tế đang chạy nước rút

Trong hệ thống công lập Cần Thơ, Trung tâm Y tế khu vực Ô Môn là đơn vị đầu tiên triển khai thành công EMR. Theo BS CKII Lê Minh Bạch, Giám đốc Trung tâm, để đảm bảo đúng tiến độ, Ban Giám đốc đã xây dựng những mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện nhanh chóng. Trung tâm nâng cấp đường truyền mạng đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao để hỗ trợ vận hành hệ thống EMR; đấu thầu chọn đối tác cung cấp phần mềm và dịch vụ uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế; triển khai hệ thống LIS/PACS; khuyến khích trang bị thiết bị cá nhân. Ban Giám đốc khuyến khích bác sĩ, điều dưỡng tự trang bị laptop, máy tính bảng để hỗ trợ thao tác trên hệ thống, Trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí để đảm bảo mọi nhân viên đều có công cụ làm việc phù hợp.

Bên cạnh đó, Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ của Trung tâm đã chủ động chuẩn bị các biểu mẫu hồ sơ EMR theo Thông tư 32/2023/TT-BYT và các văn bản hướng dẫn về chuyên môn. Cụ thể là thiết kế biểu mẫu điện tử: các biểu mẫu được xây dựng phù hợp với yêu cầu chuyên môn, dễ sử dụng và đảm bảo tính pháp lý. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng được cấp tài khoản riêng với vai trò và quyền truy cập phù hợp vị trí công tác, đảm bảo tính bảo mật, chính xác trong quản lý thông tin bệnh nhân.

Trung tâm còn phối hợp với công ty cung cấp phần mềm tổ chức các buổi tập huấn. Ban Giám đốc phân công nhân sự chuyên trách về hồ sơ EMR để hướng dẫn, hỗ trợ các khoa lâm sàng xuyên suốt trong quá trình chạy thử nghiệm, tháo gỡ vướng mắc và ghi nhận những khó khăn để báo cáo Ban Giám đốc kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục. Ban Giám đốc Trung tâm đã ban hành các quy chế chuyên môn về hồ sơ EMR, làm cơ sở để triển khai đồng bộ và thống nhất. Ðồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các khoa, phòng. Trung tâm cũng ghi nhận và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để toàn đơn vị cùng nỗ lực. Trong thời gian rất ngắn, hệ thống EMR đã vận hành tương đối ổn định, hỗ trợ hiệu quả công tác khám chữa bệnh, điều trị nội trú. Nhân viên y tế đã làm chủ được công nghệ, bước đầu tiến vào giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, từ đó giảm thiểu những sai sót chủ quan trong ghi chép hồ sơ bệnh nhân so với bệnh án giấy.

Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, các đơn vị y tế còn lại đang khẩn trương thực hiện EMR. Vào thứ 4 hằng tuần, các đơn vị cập nhật tiến độ thực hiện với Sở Y tế. Các đơn vị đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ triển khai EMR; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện EMR chi tiết; đang triển khai các thủ tục thuê phần mềm EMR, nâng cấp các phần mềm hiện có; đấu thầu mua sắm trang thiết bị; đào tạo cán bộ, nhân viên; số hóa bệnh án… để đạt mục tiêu chuyển đổi số ngành y tế.l

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết