27/07/2025 - 13:40

5 loại thuốc có thể gây mất thính lực 

Khi nói đến tác dụng phụ của thuốc, mọi người thường nghĩ đến các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi hoặc chóng mặt. Nhưng còn một nguy cơ khác ít được biết đến, có thể gây ra hậu quả lâu dài và đôi khi là vĩnh viễn: đó là mất thính lực. Dưới đây là 5 loại thuốc phổ biến có thể ảnh hưởng đến thính giác hoặc khả năng giữ thăng bằng của cơ thể.

Thuốc kháng sinh

Các loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh aminoglycoside (như gentamicin, tobramycin và streptomycin) thường được dùng cho các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc lao. Ðây là những tình trạng mà việc điều trị kịp thời và tích cực có thể cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm kháng sinh thường được tiêm tĩnh mạch này là một trong những loại thuốc gây độc cho tai được ghi nhận rõ ràng nhất. Chúng có thể gây mất thính lực không hồi phục, đặc biệt khi sử dụng liều cao hoặc trong thời gian dài. Do yếu tố di truyền, một số người cũng dễ gặp phải những tác dụng này. Ðáng ngại là những loại thuốc này có thể tồn tại trong tai suốt nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng, đồng nghĩa là tổn thương tai có thể tiếp tục sau khi kết thúc việc điều trị.

Thuốc tim mạch

Thuốc lợi tiểu quai, như furosemide và bumetanide, thường được sử dụng để kiểm soát bệnh suy tim hoặc huyết áp cao. Khi dùng liều cao hoặc tiêm tĩnh mạch, thuốc có thể gây mất thính lực tạm thời do làm mất cân bằng chất dịch và điện giải ở tai trong. Một số loại thuốc huyết áp cũng gây ra chứng ù tai, bao gồm: thuốc ức chế men chuyển ACE - như ramipril (có tác dụng làm giãn mạch máu) và thuốc chẹn kênh canxi - như amlodipine (giúp giảm huyết áp bằng cách ngăn canxi xâm nhập vào tế bào tim và thành mạch máu).

Thuốc hóa trị

Một số loại thuốc hóa trị, đặc biệt là những loại có chứa bạch kim như cisplatin và carboplatin, có độc tính cao đối với tai. Chẳng hạn, cisplatin - thường được sử dụng để điều trị ung thư tinh hoàn, buồng trứng, vú, đầu và cổ - có nguy cơ cao gây mất thính lực vĩnh viễn. Nguy cơ này tăng lên khi xạ trị cũng được chiếu gần đầu hoặc cổ. Có tới 60% bệnh nhân được điều trị bằng cisplatin bị mất thính lực ở một mức độ nào đó.

Thuốc giảm đau

Các loại thuốc giảm đau thông thường, bao gồm aspirin, nhóm kháng viêm không chứa steroid (NSAID, như ibuprofen và naproxen, thường được sử dụng để giảm đau, viêm và hạ sốt) và thậm chí cả acetaminophen, đều có thể dẫn đến chứng ù tai và mất thính lực.


Một số loại thuốc điều trị có thể ảnh hưởng thính lực nếu sử dụng lâu dài hoặc ở liều cao. Ảnh: Pexels

 

Một nghiên cứu lớn cho thấy phụ nữ dưới 60 tuổi thường xuyên dùng aspirin liều vừa (từ 325mg trở lên, 6-7 lần/tuần) có nguy cơ mắc chứng ù tai cao hơn 16%. Nguy cơ này không được ghi nhận khi dùng aspirin liều thấp (100mg trở xuống). Việc sử dụng thường xuyên NSAID và paracetamol cũng có thể làm tăng gần 20% nguy cơ mắc chứng ù tai, đặc biệt ở những phụ nữ thường xuyên sử dụng các loại thuốc này. Tương tự, một nghiên cứu khác phát hiện việc sử dụng lâu dài các loại thuốc giảm đau này làm nguy cơ mất thính lực cao hơn, đặc biệt là ở nam giới dưới 60 tuổi.

Trong đa số trường hợp, chứng ù tai và những thay đổi về thính lực sẽ hết sau khi ngừng thuốc. Nhưng những tác dụng phụ này thường xảy ra sau khi sử dụng liều cao kéo dài.

Thuốc chống sốt rét

Các loại thuốc như chloroquine và quinine thường được sử dụng để điều trị sốt rét và chuột rút ở chân, nhưng cũng có thể gây mất thính lực có thể hồi phục và ù tai. Theo một nghiên cứu, 25-33% số người bị mất thính lực đã từng sử dụng một trong những loại thuốc này.

Hydroxychloroquine, thuốc dùng điều trị bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp, cũng có thể gây ra nguy cơ tương tự. Mặc dù một số bệnh nhân có thể hồi phục thính lực sau khi ngừng thuốc, nhưng những người khác có thể bị tổn thương vĩnh viễn, đặc biệt là khi sử dụng thuốc lâu dài hoặc liều cao.

Nhìn chung, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ xem thuốc điều trị của mình có nguy cơ tổn thương thính giác hay không. Nếu thấy bị ù tai, chóng mặt hoặc nghe kém, hãy báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý và điều chỉnh thuốc điều trị.

AN NHIÊN (Theo StudyFinds)

Chia sẻ bài viết