08/05/2024 - 08:35

Nga coi F-16 ở Ukraine là mối đe dọa hạt nhân 

Quân đội Ukraine cho biết vừa bắt đầu vận hành chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất. Giới phân tích cho rằng những chiếc F-16 do các quốc gia phương Tây, gồm Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ cung cấp sẽ là sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân  Ukraine, bởi phi đội máy bay của nước này phần lớn là từ thời Liên Xô và đã suy giảm dần sau hơn 2 năm xung đột với Nga.

Chiến đấu cơ F-16. Ảnh: AFP

F-16 có thể hỗ trợ ngăn chặn kho vũ khí phòng không mạnh mẽ của Nga và thực hiện các nhiệm vụ áp chế, phá hủy hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài ra, F-16 có thể giúp bổ sung cho hệ thống phòng không hiện có của Kiev, gồm các hệ thống từ thời Liên Xô, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và hệ thống phòng không NASAMS.

Tuy nhiên, các cựu phi công quân sự Mỹ cho rằng F-16 vẫn có thể đối mặt với một số thách thức từ Nga như hệ thống tên lửa phòng không S-300 và S-400, chiến đấu cơ Su-35 và MiG-25 được trang bị tên lửa R-37 tầm xa, hệ thống radar và cảnh báo sớm có thể phát hiện mối đe dọa cách xa hàng ngàn dặm.

Trong tuyên bố hôm 6-5, Bộ Ngoại giao Nga nhận định, phi đội máy bay chiến đấu F-16 mới do phương Tây cung cấp cho Ukraine là “mối đe dọa hạt nhân”, qua đó cho rằng sự xuất hiện của F-16 trên chiến trường là một “sự khiêu khích có chủ đích” của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dù Washington chưa cung cấp máy bay cho Kiev. “Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng đa mục đích, có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân. Chúng tôi sẽ coi bất kỳ sửa đổi nào trên máy bay F-16 được cung cấp cho Ukraine là có khả năng hạt nhân. Đây là một hành động khiêu khích có mục đích của Mỹ và NATO” - Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Cùng ngày, Nga thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự “trong tương lai gần”, trong đó thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhằm mục đích đảm bảo chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga trước “những mối đe dọa và tuyên bố khiêu khích của một số quan chức phương Tây chống lại Liên bang Nga”. “Những hành động khiêu khích này cần có sự quan tâm đặc biệt và các biện pháp đặc biệt” - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về mục đích của cuộc tập trận.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, cuộc tập trận được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin và sẽ kiểm tra mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Theo bộ này, cuộc tập trận sẽ gồm nội dung thực hành chuẩn bị và triển khai sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc tập trận là một nỗ lực của Mát-xcơ-va nhằm “hạ nhiệt những cái đầu nóng” ở các nước phương Tây, khi họ đe dọa triển khai lực lượng ở Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cuộc tập trận sẽ “giúp NATO nhận ra những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, đồng thời ngăn chặn việc họ vừa hỗ trợ chính quyền Kiev trong các hành động tấn công vừa bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga”.

Tổng thống Nga Putin hôm qua (7-5) đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm tại Điện Kremlin. Sau lễ nhậm chức của ông Putin, chính phủ hiện tại của Nga sẽ từ chức và quốc hội sẽ phê chuẩn chính phủ mới. Tổng thống Putin sẽ giới thiệu ứng viên thủ tướng với Hạ viện Nga để được phê chuẩn cũng như trực tiếp bổ nhiệm các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tư pháp, tình trạng khẩn cấp và nội vụ, với sự tham vấn của Thượng viện.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết