Quan tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp để tạo liên kết bền chặt theo chuỗi đang là yêu cầu cấp thiết nhằm triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (Đề án 1 triệu héc-ta lúa). Thời gian qua, dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và khuyến khích nhưng việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tại vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế và gặp nhiều trở ngại.
Yêu cầu đẩy mạnh liên kết
Đối với sản xuất lúa gạo, thời gian qua nhiều nông dân đã thực sự được hưởng lợi khi tham gia mô hình cánh đồng lớn và các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của nông dân tại các HTX, tổ hợp tác gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Nông dân đã an tâm về đầu ra sản phẩm và có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, lợi nhuận nhờ đẩy mạnh cơ giới, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm và giảm các chi phí đầu vào. Doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu ổn định, từ đó có điều kiện để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và bán giá cao nhờ nhập được vào các phân khúc thị trường cấp cao, khó tính. Tuy nhiên, do doanh nghiệp tham gia chưa nhiều và còn gặp khó khăn nên liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo còn hạn chế, hiệu quả sản xuất lúa gạo tại nhiều nơi chưa cao như mong muốn. Thu nhập của đa phần nông dân trồng lúa còn thấp, giá cả đầu ra sản phẩm chưa ổn định, rơm rạ và các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa chưa được khai thác, phát huy hết giá trị.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở HTX Tiến Dũng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng chuỗi giá trị lúa gạo, tới đây cần đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan nhằm tổ chức lại việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn và bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu, định hướng quan trọng được đề ra trong Đề án 1 triệu héc-ta lúa. Đề án hướng đến việc tổ chức lại sản xuất nhằm hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với trăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo. Đồng thời, giúp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng BĐKH.
Cần giải pháp đồng bộ
Tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa phối hợp Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo vai trò và các giải pháp thu hút, vận động nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa. Tại hội thảo này, nhiều đại biểu kiến nghị, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần tăng cường các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về Đề án 1 triệu héc-ta lúa và việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo. Kịp thời hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX tháo gỡ các khó khăn trong phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại các địa phương vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ xây dựng, phát triển các tổ hợp tác, HTX, đào tạo nhân lực quản lý HTX, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo bền vững...
Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần xác định và công bố các diện tích tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa tại các địa bàn cụ thể của địa phương mình để người dân, HTX, doanh nghiệp biết và tham gia liên kết, thực hiện Đề án. Qua đó, tổ chức lại ngành hàng lúa gạo, giảm các chi phí đầu vào, giảm phát thải, sản xuất thân thiện môi trường, bền vững, bảo vệ sức khỏe người nông dân, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng chất lượng, giá bán sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân và các bên có liên quan. Còn theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH chế biến lương thực Green Hậu Giang, quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp và HTX thường xảy ra mâu thuẫn và không bền vững là do giải quyết quyền lợi của hai bên chưa hài hòa. Để liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX và nông dân được bền chặt lâu dài thì cần phải chú ý phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên để xây dựng hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đảm bảo hài hòa lợi ích với nhau và cùng chia sẻ khó khăn, nhất là khi giá lúa có biến động.
Qua thực tế cho thấy, liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL còn nhiều khó khăn, vướng mắc do giá lúa gạo còn thường xuyên có biến động tăng giảm. Nông dân tại nhiều nơi còn chưa thấy rõ hết các lợi ích và tầm quan trọng của việc liên kết nên chưa kịp thời chuyển đổi về nhận thức và hành động. Hiện đa phần doanh nghiệp mới chủ yếu ký hợp đồng thu mua sản phẩm, chứ chưa thực sự liên kết theo chuỗi, với việc tham gia đầu tư, cung ứng vật tư đầu vào và hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình canh tác để có sản phẩm chất lượng, đáp ứng theo đơn đặt hàng. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ, cho rằng: “Để thúc đẩy liên kết chuỗi và triển khai tốt Đề án 1 triệu héc-ta lúa, cần rà soát, tháo gỡ các khó khăn, tập trung xây dựng vùng sản xuất lớn, vùng liên kết chuỗi ngành hàng để có thể ứng dụng công nghệ mới và áp dụng các kỹ thuật nhằm canh tác đảm bảo bền vững, giảm phát thải, thích ứng BĐKH. Kịp thời có các chính sách hỗ trợ đầu tư cho máy móc, thiết bị, hạ tầng…”.
Theo bà Thúy, khó khăn trong liên kết theo chuỗi hiện nay là nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ, khó xây dựng vùng sản xuất liền canh lớn. Đa phần nông dân trồng lúa đều lớn tuổi nên gặp khó trong tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và ngại thay đổi. Trong khi đó, phần lớn các HTX có lượng thành viên và quy mô diện tích canh tác còn nhỏ, chưa đủ năng lực làm dịch vụ cho doanh nghiệp. HTX cũng còn hạn chế về năng lực hoạt động và thiếu vốn để cung cấp các dịch vụ phục vụ cho xã viên và nông hộ tham gia liên kết. Doanh nghiệp cũng thiếu vốn đầu tư cho liên kết. Một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, thu mua lúa cho nông dân với giá hợp lý để tạo vùng nguyên liệu cho mình và tạo sự gắn kết lâu dài với người dân… Đây là những khó khăn và hạn chế cần được tháo gỡ kịp thời.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG