Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vừa đưa ra ý tưởng nhằm sử dụng lượng điện dư thừa từ Ðập Itaipu (Paraguay) để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) của nước này. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một đề xuất thực tế nhưng ẩn sau đó là một chiến lược địa chính trị sâu sắc hơn nhằm chống khủng bố cũng như chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Đập Itaipu nhìn từ trên cao. Ảnh: Asia Times
Theo tờ Asia Times, Ðập Itaipu, vốn do Brazil và Paraguay đồng sở hữu, là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới. Trong nhiều thập niên qua, Paraguay bán 50% cổ phần năng lượng do Ðập Itaipu sản xuất cho Brazil. Song, trong bối cảnh thỏa thuận song phương giữa Brazil và Paraguay hết hạn hồi năm 2023, Mỹ đã “nhảy vào” vận động hành lang để chuyển hướng lượng điện dư thừa của đập thủy điện này để vận hành các cơ sở hạ tầng công nghệ đang “ngốn” nhiều năng lượng của nước này. “Paraguay giàu năng lượng tái tạo và nước - những nguồn tài nguyên có thể giúp cung cấp năng lượng cho thế hệ máy tính AI tiếp theo nếu chúng ta cùng nhau hợp tác” - ông Rubio phát biểu trước Ủy ban Ðối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 20-5.
Tuy nhiên, mối quan tâm của Mỹ đối với nguồn năng lượng của Paraguay không đơn thuần là mối quan tâm thông thường. Ẩn sau đó là kế hoạch gia tăng tình báo và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Triple Frontier, khu vực biên giới dọc theo ngã 3 của Argentina, Brazil và Paraguay và là nơi từ lâu bị Washington xem là nơi sinh sôi của chủ nghĩa khủng bố. Kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, Mỹ đã tìm cách biện minh cho hoạt động giám sát và quân sự tiềm tàng của nước này tại Triple Frontier. Washington cáo buộc khu vực này có quan hệ với các nhóm khủng bố như Hezbollah.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những cáo buộc này chỉ là những cáo buộc “suông”, bởi chưa bao giờ được các cơ quan tình báo hoặc cơ quan thực thi pháp luật chứng minh. Theo báo cáo có tên “Các mô hình khủng bố toàn cầu” của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong giai đoạn 1992-2004, không có bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào được tiến hành hoặc được lên kế hoạch từ khu vực này. Dù vậy, Mỹ vẫn tiếp tục “gán” Triple Frontier tội liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, qua đó cho phép Washington duy trì áp lực chính trị lên Brasília và Asunción để buộc 2 nước này thay đổi luật và hợp tác trong các khuôn khổ chia sẻ thông tin tình báo, chẳng hạn như Ủy ban “3+1”, gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Mỹ.
Và khi câu chuyện về chủ nghĩa khủng bố cũng không thu hút được sự chú ý ở Brazil, Mỹ đã “xoay trục”, bắt đầu thúc giục Brazil phân loại các nhóm tội phạm trong nước, chẳng hạn như Primeiro Comando da Capital hay Comando Vermelho, là các tổ chức khủng bố nhưng lại bị Brasília bác bỏ. Chính quyền Tổng thống Barazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh rằng các tổ chức tội phạm tham gia vào hoạt động mua bán ma túy không nên bị nhầm lẫn với các nhóm khủng bố.
Trước đó, Mỹ cũng từng áp dụng chiến lược tương tự ở Colombia và Peru, nơi nhãn hiệu “khủng bố ma túy” đã được Mỹ triển khai thành công để biện minh cho hoạt động tình báo và viện trợ quân sự của Washington tại 2 nước này.
Gần đây, giới chức Brazil đã lên tiếng báo động rằng sự quan tâm của Mỹ đối với Ðập Itaipu đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của chính nước này. Trong nhiều thập niên qua, Brazil phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Paraguay để hỗ trợ sản lượng công nghiệp ở các tiểu bang phía Nam. Việc chuyển hướng nguồn năng lượng này sang các công ty công nghệ Mỹ không chỉ khiến Brazil tổn thất về kinh tế mà còn là sự tái cấu trúc chiến lược về địa chính trị năng lượng của khu vực Nam Mỹ. “Việc an ninh hóa khu vực này che giấu tham vọng khẳng định quyền kiểm soát đối với tài sản về nước và năng lượng” - chuyên gia phân tích người Brazil Arthur Bernardes do Amaral lo ngại.
Giới chuyên gia cho rằng sự quyết đoán của Mỹ cũng đặt ra thách thức đối với vai trò ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Nam Mỹ. Chính Sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc đã ghi dấu ấn tại khu vực thông qua tuyến Ðường sắt xuyên Ðại Tây Dương, dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng được thiết kế để nối liền bờ biển Ðại Tây Dương của Brazil với các cảng Thái Bình Dương của Chile thông qua Paraguay và Argentina. Song, chính sự hiện diện của quân đội và giới chức tình báo Mỹ gần hành lang này có thể cản trở các hoạt động hậu cần và xây dựng của Trung Quốc. Chưa kể, Mỹ có thể tìm cách hạn chế sự phát triển của BRI bằng cách khơi dậy nỗi lo về an ninh tại khu vực.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)