Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng, tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR) hay còn gọi Hành lang giữa đang trở nên nổi bật với vai trò cầu nối thương mại quan trọng giữa lục địa Á - Âu.
Bỏ qua một số hành trình hàng hải dài hơn, Hành lang giữa kết nối Ðông Á và lục địa châu Âu thông qua mạng lưới đường bộ và đường biển. Cụ thể, bắt đầu từ Trung Quốc, tuyến TITR xuyên qua Kazakhstan và Biển Caspi rồi đến Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến châu Âu.
Thời điểm xung đột Nga - Ukraine manh nha vào năm 2014, nhiều người đã xem TITR là giải pháp bổ sung cho Hành lang phía Bắc do Mát-xcơ-va giữ thế chủ đạo. Năm 2022, chiến tranh Ukraine nổ ra tiếp tục làm suy giảm mức độ tin cậy đối với Hành lang phía Bắc. Trong khi đó, tầm quan trọng của Hành lang giữa tăng lên đáng kể với năng lực hoạt động và hợp tác kinh tế dọc theo tuyến không ngừng được mở rộng với lưu lượng hàng hóa tăng vọt. Ước tính trong năm 2024, có 4,5 triệu tấn hàng hóa đã đi qua hành lang này, tăng 62% so với năm 2023. Theo Ngân hàng Thế giới, lượng hàng hóa thông qua Hành lang giữa có thể đạt từ 10 đến 11 triệu tấn vào năm 2030.
Cùng với gia tăng về khối lượng hàng hóa, các quốc gia dọc theo TITR những năm gần đây bắt đầu tăng cường đầu tư nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng cùng nhiều cơ sở hậu cần quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn về địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hải và nhu cầu đa dạng hóa khu vực ngày càng tăng, động lực này thúc đẩy hơn nữa mối quan tâm về vai trò của Hành lang giữa như tuyến vận tải chính, thậm chí được coi như giải pháp thay thế chiến lược cho các tuyến Bắc - Nam và Ðông - Tây truyền thống.
Sự thay thế chiến lược
Kết hợp vận tải đường sắt, đường bộ và đường biển, Hành lang giữa bắt đầu ở Trung Quốc, nơi hàng hóa được chất lên các dịch vụ vận tải đường sắt xuất phát từ các trung tâm công nghiệp như Tây An, Trùng Khánh và Urumqi. Các lô hàng được vận chuyển về phía Tây qua Kazakhstan thông qua mạng lưới đường sắt rộng lớn kết nối các trung tâm trung chuyển chính như Dostyk, Altynkol và Khorgos. Khi đến các cảng Aktau và Kuryk, hàng hóa được chuyển lên tàu băng qua Biển Caspi. Sau khi vượt biển, hàng hóa sẽ đến Baku/Alat ở Azerbaijan và tiếp tục hành trình đường bộ hướng đến Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ và xa hơn nữa vào các mạng lưới châu Âu.
Dựa trên hành trình đó, Hành lang giữa nổi lên như tuyến đường thương mại nhanh và trực tiếp nhất giữa Trung Quốc và châu Âu khi rút ngắn khoảng 2.500km so với Hành lang phía Bắc. Thời gian vận chuyển cũng cải thiện khi dao động từ 10 đến 15 ngày, thay vì mất từ 15 đến 60 ngày theo tuyến đường truyền thống. Tầm quan trọng về kinh tế của hành lang này tiếp tục mở rộng với các hoạt động thương mại thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tạo việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia trung chuyển.
.webp)
Hành lang giữa (Middle Corridor) và Hành lang phía Bắc (Northern Corridor) từ Trung Quốc đi châu Âu. Ảnh: SWP
Về mặt địa chính trị, tuyến TITR cung cấp giải pháp thay thế hấp dẫn cho cơ sở hạ tầng quá cảnh qua Nga. Ðặc biệt, trong bối cảnh Mát-xcơ-va đối mặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, giới quan sát cho biết hành lang này mang đến cơ hội tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro liên quan hạn chế thương mại, qua đó củng cố kinh tế và vị thế khu vực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong chiến lược trở thành trung tâm hậu cần, chuyển đổi năng lượng, sản xuất công nghệ cao và đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu tìm cách nâng cao vị thế địa chính trị đồng thời củng cố ảnh hưởng đối với thương mại khu vực và ngoại giao kinh tế. Mục tiêu này đang được thực hiện qua Hành lang giữa khi dựa vào Ðường sắt Baku-Tbilisi-Kars và đường hầm Marmaray, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp kết nối liền mạch với các thị trường châu Âu trong khi bỏ qua các tuyến thương mại truyền thống ở phía Bắc.
Về phần mình, Trung Quốc coi Hành lang giữa là phần mở rộng của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), giảm sự phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển của Nga trong khi mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Á, Kavkaz và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường EU.
Giải quyết các thách thức và hạn chế
Bên cạnh những thuận lợi, Hành lang giữa vẫn đối mặt nhiều nút thắt. Một mối quan ngại lớn hơn cả là năng lực vận tải hạn chế của tuyến đường trung chuyển, đặc biệt phân khúc hàng hải Caspi. Các cảng Aktau và Kuryk đóng vai trò quan trọng cho hoạt động thương mại giữa Trung Á và Nam Kavkaz, nhưng số lượng tàu hạn chế, cơ sở hạ tầng cảng lạc hậu và quy trình xử lý hàng hóa chậm cùng sự gián đoạn liên quan thời tiết đang làm giảm hiệu quả của các chuyến hàng xuyên Caspi. Ngoài ra, việc thiếu các trung tâm hậu cần hiện đại, sự không nhất quán về thủ tục hải quan, cơ cấu thuế quan và quy định thương mại giữa các quốc gia dọc theo tuyến đường cũng làm phức tạp thêm hoạt động quá cảnh tại các cửa khẩu biên giới, dẫn tới gia tăng chi phí và chậm trễ trong thời gian giao hàng.
Những điều kể trên đang làm giảm năng lực thương mại dọc theo Hành lang giữa so với Hành lang phía Bắc. Chi phí trên tuyến đường này cũng đắt hơn đáng kể so với một số tuyến hàng hải truyền thống. Thêm vào đó là nguy cơ bất ổn chính trị. Mặc dù thương mại giảm sút, nhưng Nga có thể khai thác Hành lang giữa để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ với vị thế chốt chặn có thể hành động chống lại các lợi ích của châu Âu. Mặt khác, tư cách thành viên của nước này trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Tây Dương (NATO) làm dấy lên nghi ngờ Ankara không có khả năng hành động trung lập nhằm thúc đẩy quyền tự chủ Á - Âu.
Bên cạnh đó, bất ổn chính trị ở các quốc gia trung chuyển, vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra và các liên minh thay đổi có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo thêm rủi ro cho các nhà đầu tư và công ty hậu cần. Vấn đề nữa, đó là hành lang này đòi hỏi cam kết tài chính đáng kể (ước tính hơn 20 tỉ USD) để hiện thực hóa các kế hoạch đổi mới cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế do sự không chắc chắn về khối lượng thương mại dài hạn và rủi ro chính trị tiềm ẩn, khiến việc đảm bảo tài chính trở thành thách thức lớn hơn.
Trong bối cảnh trên, các hoạt động xây dựng dọc theo các quốc gia trung chuyển kể từ năm 2022 đã tăng gấp đôi, định hình quỹ đạo tương lai của Hành lang giữa. Trong đó, một số sáng kiến và khoản đầu tư quan trọng do Kazakhstan, Azerbaijan, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu tập trung vào hiện đại hóa cơ sở tầng, tăng cường tính tự động hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại ngày càng tăng.
Những nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục biên giới và hài hòa hóa các quy định thương mại cũng đang được tiến hành. Năm ngoái, nền tảng điều phối hành lang vận tải xuyên Caspi đã được ra mắt, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các quốc gia Trung Á và EU để tạo ra quy trình hải quan liền mạch, tăng cường tính minh bạch và giảm sự chậm trễ cho các đơn vị vận tải hàng hóa. Ngoài ra, các bên liên quan cũng đẩy mạnh theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Ðầu tư châu Âu, mở ra cơ hội giải quyết thách thức về tài trợ.
Hồi tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với các nước Trung Á như là “bước ngoặt” cho kết nối khu vực. Để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và giảm phụ thuộc vào các tuyến thương mại do Nga kiểm soát, khối 27 quốc gia thành viên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới với các quốc gia Trung Á; đồng thời tích cực đầu tư hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng dọc theo Hành lang giữa, bao gồm gói đầu tư trị giá hơn 13 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và kỹ thuật số khu vực.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)