26/05/2025 - 08:37

Phê duyệt Ðề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 1002/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 (Ðề án).

Sinh viên và giảng viên Trường ÐH Cần Thơ thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: B.NG

Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát của đề án nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trọng tâm là đội ngũ nhân lực tài năng có khả năng tham gia sâu vào công đoạn nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên. Ðồng thời, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Quyết định nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao khối ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.

Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80.000 người/năm trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 8.000 người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ; 100% chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối ngành STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên, các dự án trọng điểm quốc gia.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2030-2035: Phấn đấu số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 100.000 người/năm, trong đó ít nhất 15% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 15.000 người/năm, trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Có ít nhất 50 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận thuộc các lĩnh vực STEM, trong đó có 30 nhóm thuộc các lĩnh vực công nghệ chiến lược, công nghệ cao được ưu tiên; thứ hạng về công bố quốc tế trong các lĩnh vực STEM tiếp tục được cải thiện.

Ðịnh hướng tới năm 2045, nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được xếp vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.

Quyết định nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Trong đó, tăng cường chính sách đầu tư cho giáo dục STEM và hỗ trợ tài chính cho người học các ngành STEM; hoàn thiện và đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học; triển khai các chương trình đào tạo tài năng gắn kết với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu các ngành STEM và các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược; tăng cường huy động, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Ðào tạo xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo tài năng và các tiêu chí đánh giá, lựa chọn các chương trình đào tạo, cơ sở sở đào tạo tham gia đào tạo tài năng; hướng dẫn đăng ký, tổ chức xét chọn cơ sở đào tạo và giao chỉ tiêu đào tạo tài năng; hướng dẫn các cơ sở đào tạo đề xuất các dự án đầu tư các phòng thí nghiệm và triển khai các chương trình đào tạo tài năng.

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn triển khai, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược gắn với các chương trình đào tạo tài năng, đào tạo tiến sĩ các ngành STEM.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Ðề án theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

TTXVN

Chia sẻ bài viết