Với tinh thần “tự lực cánh sinh”, Trung Quốc đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến trong khi sánh ngang Mỹ ở một số mảng khác.

Robot hình người làm việc tại một nhà máy sản xuất xe điện của hãng Zeekr ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily
“Chỉ thông qua tự lực, chúng ta mới có thể bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố vào năm 2018, khi Washington bắt đầu siết chặt việc bán công nghệ cho Bắc Kinh.
Kể từ đó, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trong nhiều lĩnh vực chiến lược và bắt kịp đối thủ trong các khía cạnh khác. Các hãng sản xuất ô tô điện của Trung Quốc nằm trong tốp những công ty tốt nhất thế giới. Các công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) thì cạnh tranh với các hãng OpenAI và Google của Mỹ, trong khi nhiều nhà máy ở Trung Quốc tràn ngập các robot tiên tiến.
Bên cạnh công nghệ hiện đại, Trung Quốc còn muốn tự chủ hơn về lương thực, năng lượng và đã tăng cường năng lực quân đội.
Đầu tư mạnh vào các lĩnh vực trọng yếu
Phần lớn thành công trên của Trung Quốc bắt nguồn từ khả năng phân bổ số tiền khổng lồ vào các lĩnh vực then chốt. Vào năm 2024, Bắc Kinh đã đầu tư 500 tỉ USD vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, cao gấp 3 lần so với năm 2012. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Trung Quốc đã chi cho hoạt động này nhiều gần bằng Mỹ.
Trong đó, đầu tư vào AI là trọng tâm chính. Một nghiên cứu chỉ ra rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ Trung Quốc đã rót gần 200 tỉ USD vào 9.600 công ty AI trong giai đoạn 2000-2023.
Các tổ chức đầu tư của chính quyền địa phương cũng hỗ trợ bằng cách tiếp sức cho các công ty như Zhipu AI - một trong những hãng AI của Trung Quốc đang cạnh tranh với các đối thủ Mỹ. Các công ty khởi nghiệp AI đang huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân cũng như các tập đoàn Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
Việc dốc sức phát triển công nghệ đang thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước. Các công ty Trung Quốc đã mua số lượng robot công nghiệp nhiều bằng phần còn lại của thế giới cộng lại. Trong phần lớn thập niên qua, 75% số robot được lắp đặt tại Trung Quốc là nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Đức. Nhưng đến năm 2023, các hãng chế tạo robot Trung Quốc đã chiếm tới gần một nửa thị trường nội địa.
Ở lĩnh vực robot hình người vốn phức tạp hơn, các công ty Trung Quốc như UBTech đang đua tranh với các hãng Mỹ, bao gồm Tesla của tỉ phú Elon Musk. 90% trong số hơn 3.000 nhà cung cấp của UBTech trong những năm gần đây có trụ sở tại Trung Quốc, một tín hiệu cho thấy mức độ phụ thuộc rất lớn của nước này vào hệ sinh thái nhà cung cấp đang nở rộ của mình. UBTech cũng tích hợp công nghệ từ hãng tiên phong về AI của Trung Quốc là DeepSeek để giúp robot đưa ra quyết định tốt hơn.
Về phát triển không gian, trọng tâm chính của Bắc Kinh là cải thiện các vệ tinh chụp ảnh và dữ liệu khác nhằm phục vụ cho các ngành công nghiệp dân sự cũng như quốc phòng. Theo bảng xếp hạng các hệ thống vệ tinh thương mại tốt nhất thế giới năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã giành 5 trong số 11 huy chương vàng, so với 4 của Mỹ.
Chiến dịch tự cung tự cấp mở rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng hạt nhân. Từng phải nhập khẩu thành phần chính của các lò phản ứng từ Mỹ, Trung Quốc hiện nay đã có thể tự xây lò phản ứng. Hoa Long 1, mô hình lò phản ứng điện hạt nhân nội địa của Trung Quốc, cho phép nước này kiểm soát chi phí và thời gian xây dựng tốt hơn, đồng thời loại bỏ nguy cơ Mỹ không chuyển giao thêm lò phản ứng.
Kết quả là Trung Quốc đã ít phụ thuộc hơn vào phần còn lại của thế giới về hàng hóa và dịch vụ. Tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của nước này năm 2023 đạt ở mức tương đương chưa tới 18% tổng sản phẩm quốc nội, so với khoảng 22% của một thập niên trước đó.
Những thành công này đang giúp củng cố Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp bước vào kỷ nguyên đối đầu với Mỹ, bao gồm cuộc thương chiến hiện nay.
HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ)