08/05/2024 - 18:40

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng 

(CT) - Ngày 8-5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số (CÐS) ngành Ngân hàng năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng dự sự kiện.

Giao dịch viên Agribank Chi nhánh quận Thốt Nốt hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán số trên điện thoại di động.

Sự kiện CÐS ngành Ngân hàng năm 2024 có chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số". Theo NHNN, ngành Ngân hàng đã chủ động, nỗ lực thực hiện CÐS toàn diện trên các mặt, bao gồm chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn; nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động CÐS ngành Ngân hàng. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc CÐS, góp phần chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn...

Ðến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỉ đồng/ngày (tương đương 40 tỉ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày… Ngành Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Ðề án 06/QÐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN và toàn thể các ngân hàng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, khắc phục những hạn chế khó khăn để thúc đẩy CÐS ngành Ngân hàng lên một tầm cao hơn. Ngân hàng phải tiên phong trong CÐS, mang lại lợi ích chung cho quốc gia, cho doanh nghiệp, người dân, đơn vị hành chính sự nghiệp và cho chính bản thân các ngân hàng. Cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm của toàn ngành Ngân hàng, đặc biệt là người đứng đầu các ngân hàng, trong từng bộ phận.

Thủ tướng chỉ đạo cần quán triệt bám sát mục tiêu, hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thúc đẩy CÐS quốc gia nói chung, CÐS ngành Ngân hàng nói riêng đảm bảo thực chất, hiệu quả; góp phần giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô. Nắm bắt cơ hội thách thức từ tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để dẫn dắt hoạt động CÐS ngành Ngân hàng đảm bảo sát với tình hình thực tế của Việt Nam. Phát huy tinh thần tự lực tự cường chủ động sáng tạo trong mọi tình huống, khắc phục mọi khó khăn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo kết hợp với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao xem đây là những yếu tố then chốt để ngành Ngân hàng Việt Nam có bước phát triển nhanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp tiến trình phát triển và vươn lên trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải thực hiện CÐS ngành Ngân hàng một cách tổng thể toàn diện ưu tiên chất lượng hơn số lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phát triển hạ tầng thanh toán điện tử và đảm bảo an ninh mạng an toàn thông tin của người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp. CÐS ngành Ngân hàng phải đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư. Cần tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy CÐS, mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế. Ðẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng… Ðẩy mạnh CÐS để hỗ trợ công tác thanh tra giám sát ngân hàng, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng và các tiêu cực khác trong ngành Ngân hàng. Phát triển hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn tài khoản, bảo vệ dữ liệu cá nhân đáp ứng tiêu chuẩn bảo mật mới an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp...

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết