09/04/2024 - 16:47

Điều trị thành công bệnh nhi béo phì bị sốc sốt xuất huyết 

(CTO) - Các bác sĩ khoa Nhi - Sơ sinh Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ vừa điều trị thành công cho một bệnh nhi có thể trạng béo phì mắc sốt xuất huyết bị sốc nặng, đe dọa tính mạng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi xuất viện.

Em N.N.T.T (14 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) cân nặng 70kg, nhập viện BV Phụ sản TP Cần Thơ trong tình trạng sốt cao liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, kèm họng đỏ. Trước đó, em T đã được thăm khám tại cơ sở y tế địa phương với chẩn đoán ban đầu là viêm họng cấp, theo dõi sốt xuất huyết Dengue đầu ngày 2.

Sau 2 ngày được các bác sĩ khoa Nhi - Sơ sinh theo dõi và điều trị triệu chứng, bệnh nhi cắt sốt hoàn toàn nhưng vẫn chưa tươi tỉnh, ăn uống còn kém. Đến ngày thứ 5, bệnh nhi sốt lại, kèm xuất hiện chấm xuất huyết vùng cẳng chân. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu giảm sâu, máu cô đặc dần và dương tính với sốt xuất huyết. Cuối ngày 6, bệnh nhi vào sốc, huyết áp kẹp, tay chân lạnh ẩm. Các bác sĩ khoa Nhi - Sơ Sinh chẩn đoán bệnh nhi sốt 2 pha, sốc muộn trên cơ địa béo phì, cần nhanh chóng bù dịch theo cân nặng, hiệu chỉnh đúng phác đồ của Bộ Y tế. Sau 24 giờ bù dịch, bệnh nhi thoát khỏi tình trạng nguy kịch, ra sốc hoàn toàn và vừa được bác sĩ cho xuất viện ngày 8-4.

Theo BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh BV Phụ sản TP Cần Thơ, sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi và rất dễ diễn biến sốc nặng, muộn, có thể tử vong trên cơ địa béo phì. Khi trẻ sốt từ 2-3 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần được nghĩ đến sốt xuất huyết Dengue. Lưu ý: trẻ hết sốt phải tươi tỉnh, ăn uống ngon miệng và cận lâm sàng cũng phải an toàn thì mới đủ tiêu chuẩn ra viện. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng và muỗi, vệ sinh môi trường, loại bỏ ổ chứa nước đọng.

THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết