13/08/2022 - 08:35

Ứng phó nguy cơ dịch chồng dịch 

H.HOA

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), trong 44 bệnh truyền nhiễm, có 8 bệnh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, đáng lưu ý bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng 4,3 lần (tăng hơn 2.200 ca); bệnh tay chân miệng tăng hơn 300 ca...; trong khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập... CDC Cần Thơ đang đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động phòng dịch để ứng phó nguy cơ dịch chồng dịch.

Cán bộ y tế kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước. Ảnh: CTV

Bệnh truyền nhiễm tăng

Ðánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh các tháng đầu năm 2022, theo CDC Cần Thơ, dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, biến chủng gây bệnh…, đặc biệt dịch COVID-19 vẫn còn nguy cơ bùng phát trở lại. Cộng thêm biến đổi khí hậu, điều kiện vệ sinh môi trường tại một số nơi còn phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống dịch chưa ổn định, có nhiều trường hợp luân chuyển, kiêm nhiệm công tác, nhân lực thiếu và yếu ở nhiều nơi. Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm hằng năm, kinh phí địa phương bố trí còn hạn chế.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 4-8-2022, toàn thành phố ghi nhận 44 bệnh truyền nhiễm; trong đó, có 8 bệnh có số mắc tăng so với cùng kỳ 2021, gồm: SXH (2.904/677 ca); tay chân miệng (1.409/1.105 ca); lao phổi (9/8 ca); viêm gan A (1/0 ca) viêm gan B (58/51 ca); Adeno (517/134 ca); viêm gan virus khác (2/0 ca); COVID-19 (7.707/1.835 ca).

Bệnh SXH tăng cao từ tháng 4, cao nhất là tháng 7-2022 với 1.113 ca. Chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng 8 đã ghi nhận 137 ca. Số ca mắc SXH tăng song hành cùng số ổ dịch và ca nặng tăng theo. Toàn thành phố có 223 ổ dịch. Về độ nặng, SXH có dấu hiệu cảnh báo là 112 ca, tăng 103 ca; số ca sốc SXH là 41 ca, tăng 34 ca so với cùng kỳ 2021. Bệnh SXH có số ca mắc tăng 4,3 lần so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân theo CDC Cần Thơ là do bước vào mùa mưa, trong cộng đồng nhiều nơi còn vứt bừa bãi vật dụng phế thải như lốp xe, chai nhựa, vỏ dừa, lu kiệu bể... vệ sinh môi trường kém, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi.

Bệnh tay chân miệng số ca mắc tăng cao từ tháng 5-2022. Ghi nhận có 6 ổ dịch tay chân miệng. Về phân độ ca mắc, độ 2b là 2 ca, giảm 1 ca và độ 3 có 1 ca, giảm 4 ca so với cùng kỳ 2021. Về COVID-19, thành phố đã gửi giải trình tự gien 17 mẫu. Kết quả: 1 mẫu Delta, 3 mẫu BA.1, 11 mẫu BA.2, 1 mẫu BA.4 và 1 mẫu BA.5. Ðáng lưu ý, biến thể BA.4 và BA.5 mới ghi nhận gần đây và có tốc độ lây lan nhanh hơn 12%. Trong khi đó tiến độ tiêm mũi 3 còn chậm do người dân cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc COVID-19; người dân tiêm 2 mũi vero cell hiểu nhầm là mũi tiêm kế tiếp là mũi 3. Thực tế đây là mũi bổ sung, không tính mũi 3. Hiện thành phố đang tiến hành tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) cho đối tượng này.

Tăng cường truyền thông, xử lý ổ dịch

Theo BS Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc CDC Cần Thơ, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân có ý thức phòng, chống dịch bệnh. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Y tế, lãnh đạo thành phố khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại. Ðồng thời cùng với chính quyền địa phương, các ban, ngành triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh SXH; xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát trên địa bàn. Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các ổ dịch mới xuất hiện, ổ dịch cũ, ổ dịch nguy cơ và các khu vực có ca bệnh. Phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực trọng điểm, nguy cơ và ổ dịch SXH...

Về bệnh đậu mùa khỉ, dù chưa có ca bệnh nhưng thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng tại địa phương, tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh; chuẩn bị các trang thiết bị, xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chẩn đoán bệnh; đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát sự kiện tại cộng đồng để kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Với bệnh tay chân miệng, Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo truyền thông trong các đợt sinh hoạt chính trị hè cho giáo viên; tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại trường học sau khi học sinh tựu trường. Chính quyền địa phương, ngành Y tế tiếp tục cùng ngành Giáo dục đẩy mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh.l

Chia sẻ bài viết