19/03/2020 - 06:57

Thương mại-dịch vụ Cái Răng trên đà tăng tốc 

Với vị trí cửa ngõ phía Nam của thành phố, quận Cái Răng có nhiều lợi thế phát triển thương mại-dịch vụ. Điều này được thể hiện thông qua hoạt động giao thương, lưu chuyển hàng hóa trên thị trường thời gian qua hết sức sôi động… Cái Răng đã và đang khẳng định vai trò là 1 trong 3 trung tâm thương mại-dịch vụ trọng điểm của thành phố.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm

Người dân mua sắm tại Cửa hàng Thực phẩm tiện lợi Satrafoods đường Phạm Hùng, phường Lê Bình, quận Cái Răng.

Bà Nguyễn Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình lưu chuyển hàng hóa thị trường khá ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; các doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh, cung ứng nguồn hàng nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường... Ngay cả trong những giai đoạn cao điểm như lễ, Tết mặt bằng giá vẫn tăng không nhiều và lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phong phú, thông suốt.

Nhằm hình thành thói quen mua sắm hiện đại, an toàn trên địa bàn quận dần phát triển các siêu thị, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini: siêu thị Big C; Cửa hàng tiện lợi Satrafoods, CoopFood, VinMart+… phục vụ nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân. Tính đến thời điểm này, quận Cái Răng có 1 siêu thị và 15 cửa hàng tiện lợi. Chị Đỗ Ngọc Tiên, người dân phường Lê Bình, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu mua hàng hóa, thức ăn ở chợ truyền thống. Khi muốn đi siêu thị phải mất khoảng 15-20 phút để chạy ra quận Ninh Kiều. Nhưng giờ thì nhờ hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện ích phát triển nhanh, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân với nhiều chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng hấp dẫn không kém các siêu thị”.

Theo UBND quận Cái Răng, hiện tổng số doanh nghiệp do Chi cục Thuế quận quản lý là 1.389 doanh nghiệp. Trong số đó có 2 đơn vị giải thể, 9 đơn vị bỏ địa điểm kinh doanh, 2 đơn vị chuyển đi, 19 đơn vị tạm ngưng có thời hạn, 426 đơn vị còn hoạt động nhưng không phát sinh doanh số. Trong tháng 2-2020, toàn quận có 46 hộ đăng ký kinh doanh mới với số vốn đăng ký trên 14,7 tỉ đồng. Ở lĩnh vực dịch vụ, trong tháng 2-2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các điểm du lịch trên địa bàn quận vẫn đón 64.220 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 4,28 tỉ đồng. Trong đó, chợ nổi Cái Răng đón 28.865 lượt khách, du lịch sinh thái 26.327 lượt khách, các điểm di tích 6.040 lượt khách, các điểm lưu trú (Homestay, khách sạn, nhà nghỉ) 2.988 lượt khách.

Khai thác tiềm năng

Để nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại-dịch vụ, quận tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động giao thương. Theo bà Nguyễn Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, mặc dù tình hình lưu thông hàng hóa ổn định, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày vẫn đảm bảo, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu các mặt hàng khẩu trang, các loại nước rửa tay, sát trùng tăng cao. Vì vậy, quận tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, nhất là các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay để có biện pháp xử lý kịp thời. Quận cũng phối hợp UBND phường và Ban Quản lý chợ quy hoạch, sắp xếp các ngành hàng kinh doanh tại các chợ, đảm bảo trật tự, vệ sinh và an toàn về phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch; tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đối với các phường cũng đã chủ động lên kế hoạch, vạch lộ trình để khai thác tiềm năng thương mại, dịch vụ của địa phương. Ông Tiêu Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, cho biết: “Toàn phường có khoảng 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nên hoạt động giao thương sôi động. Từ lợi thế này, phường khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, duy trì các ngành nghề truyền thống; từng bước mở rộng, phát triển thương mại, dịch vụ ở khu vực dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm của người dân”.

Hướng đến mục tiêu “sản xuất sạch, tiêu dùng xanh”, Cái Răng tiếp tục phổ biến, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất (VietGAP, Global GAP) nhằm nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của quận. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản sạch, an toàn xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nỗ lực này nhằm không chỉ từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân mà còn khai thác lợi thế phát triển thương mại dịch vụ từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của quận.

Theo UBND quận Cái Răng, chợ nổi Cái Răng hiện có mức trao đổi hàng hóa trung bình 1.500 tấn/ngày, thu hút khoảng 1 triệu du khách mỗi năm (trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500- 3.000 lượt khách). Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng mỗi năm đều tăng ít nhất 20%. Nhằm khai thác thế mạnh này, quận đang tích cực thực hiện các phần việc trong Đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của người dân chợ nổi, các chuyên gia, đơn vị lữ hành để có những giải pháp phù hợp cho những vấn đề phát sinh. Ngành chức năng quận tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; xây dựng điểm dừng chân và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ phục vụ du khách; tổ chức các sự kiện thu hút thương hồ và du khách...

Bài,  ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết