28/04/2024 - 22:15

Cải cách chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên 

Ðổi mới, cải cách chính sách pháp luật về tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên (NCTN) nhằm tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ NCTN phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi bằng áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội. Ðây là một trong những điểm nhân văn của dự thảo Luật Tư pháp NCTN, đang được lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự với mục đích hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với NCTN trong hoạt động tư pháp. Trong ảnh: Buổi tuyên truyền pháp luật tại Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN gồm 162 điều, được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN. Luật này áp dụng đối với NCTN bị buộc tội, NCTN là bị hại, NCTN là người làm chứng để bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất của NCTN trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng. NCTN là đối tượng bị buộc tội, bắt buộc phải tham gia vào quy trình, thủ tục chặt chẽ, phức tạp và có thể bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế (tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, áp giải...); NCTN là bị hại, người làm chứng có thể bị dẫn giải ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng và độ chính xác của lời khai. Với quy trình tố tụng hình sự phức tạp, hầu hết NCTN đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, thậm chí có thể bị xâm hại bởi chính từ các mối quan hệ này. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự với mục đích để hỗ trợ, bảo vệ và hạn chế thấp nhất các sang chấn, tổn thương tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đối với NCTN trong hoạt động tư pháp NCTN.

NCTN là đối tượng đặc biệt, nhạy cảm về tâm lý nên dự thảo Luật Tư pháp NCTN đã đề ra các nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ NCTN trong hoạt động tư pháp hình sự, như: bảo đảm lợi ích tốt nhất của NCTN; bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; bảo đảm có người đại diện; giải quyết nhanh chóng, kịp thời; ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; xử lý chuyên biệt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; chuyên môn hóa trong hoạt động tư pháp NCTN; bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến; bảo đảm hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; bảo đảm việc thi hành biện pháp giáo dục tại trường thành niên.

Theo bà Dương Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Cần Thơ, dự thảo Luật hướng tới mục đích đổi mới, cải cách mạnh mẽ chính sách pháp luật áp dụng đối với NCTN về tư pháp hình sự theo đúng cam kết, thông lệ quốc tế; đề cao việc giáo dục hỗ trợ, giúp đỡ NCTN tự sửa chữa, cải thiện hành vi. Ðây là một đạo luật nhân văn, thân thiện với NCTN; góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Ðảng về giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Về biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với NCTN, dự thảo Luật quy định 12 biện pháp: khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; lao động công ích; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này hạn chế được tác động tiêu cực đến tâm lý của NCTN trong quá trình xử lý vi phạm, tiết kiệm chi phí cho việc xử lý, khắc phục hậu quả đối với vi phạm pháp luật của NCTN.

Bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố, đề xuất, cần giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với NCTN phạm tội, trừ trường hợp NCTN phạm các tội: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội sản xuất trái phép chất ma túy. Quy định theo hướng này vừa bảo đảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt phù hợp với NCTN; vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và an toàn cho cộng đồng...

Ðối với hành vi phạm tội có thể tác động nghiêm trọng và lâu dài đối với NCTN, đặc biệt là hành vi bạo lực tình dục, bạo lực gia đình, nhiều trường hợp, NCTN và gia đình phải chịu các chi phí liên quan đến việc điều trị y tế khẩn cấp, chi phí liên quan đến quá trình tư pháp hình sự, chi phí cho dịch vụ tư vấn, phục hồi nhân phẩm nhưng không có khả năng chi trả ngay lập tức, trong khi đó vấn đề bồi thường cho họ chỉ được xem xét, giải quyết khi phán quyết của tòa án có hiệu lực, dẫn đến nhiều khó khăn, áp lực cho bị hại. Ðể giải quyết vấn đề bất cập này, dự thảo Luật cần quy định việc hỗ trợ hoạt động tư pháp NCTN được thực hiện từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ hòa nhập cộng đồng theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Thi hành án hình sự.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết