02/04/2024 - 17:43

Chuyển đổi xanh
Hành động vì một Mekong Delta thịnh vượng, đáng sống 

ĐBSCL là vùng nông nghiệp trù phú, vựa lương thực quốc gia, đóng góp đáng kể vào an ninh lương thực thế giới. Nhưng khoảng một thập niên trở lại đây, ĐBSCL còn được biết đến là nơi chịu tổn thương, nhiều rủi ro khi đối mặt với "3 biến": biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Song, với niềm tin, khối óc và ý chí sáng tạo không ngừng, những con người đồng bằng bắt tay hành động thông qua tổ chức lại sản xuất để thích nghi với biến đổi khí hậu, thậm chí xem biến đổi khí hậu là cơ hội tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, những mô hình nông nghiệp xanh, thuận thiên cũng nở nồi để ứng phó với biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng và đáp ứng đa dạng yêu cầu khách hàng từ khắp năm châu.

Bài 1: Chuyện về những "ngọn cờ đầu"

Về ĐBSCL hôm nay, đến những vùng trồng lúa, trái cây và nuôi thủy sản trọng điểm, chúng ta không chỉ được nghe mà còn tận mắt thấy và trải nghiệm cách làm nông nghiệp xanh, thuận thiên được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang triển khai trên mảnh ruộng, vườn cây, ao cá của mình. Hành động vì một ĐBSCL bền vững, không chỉ là nỗ lực riêng lẻ của người nông dân, doanh nghiệp hay hợp tác xã mà còn là những quyết sách, định hướng lớn từ Chính phủ, bộ ngành hữu quan, chính quyền sở tại và các tổ chức trong, ngoài nước.

Từ những mô hình truyền cảm hứng

Được mệnh danh là "vua tôm" ở ĐBSCL, nhiều năm qua, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã cùng nông dân phát triển mô hình tôm lúa thuận tự nhiên. "Ðặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa: mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng. Vào mùa khô, với nguồn nước mặn từ biển đổ về, các vùng đồng bằng ven biển trở thành môi trường lý tưởng để nuôi tôm. Tôm được thả nuôi hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp mà tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ tự nhiên. Những rễ cây, cọng rơm, hạt lúa còn sót lại từ mùa vụ trước là nguồn thức ăn hấp dẫn cho động vật thủy sinh sinh sôi, phát triển, từ đó cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho con tôm. Khi đến mùa mưa, nguồn nước ngọt về, các vùng đất phì nhiêu này lại thành cánh đồng lúa màu mỡ. Những phần dinh dưỡng, phân tôm... từ mùa nuôi tôm bồi đắp lên thửa ruộng, tạo thành phân bón hữu cơ tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng. Mô hình tôm lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch được 5-8 tấn lúa và 300-1.000kg tôm trên 1 héc-ta" - ông Lê Văn Quang chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Nhạn khoe thành quả - những con tôm nuôi sinh thái dưới tán rừng. Ảnh: MỸ THANH

Mặc dù sinh ra ở miền Trung nhưng ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Chavi) được biết đến là một trong những người mở đường xanh hóa vùng đất phèn nặng của huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tại nơi đây, từ năm 2011-2013, ông Nguyễn Văn Hiển bắt đầu nghiên cứu trồng gần 150ha chanh không hạt. Năm 2013, Chavi bắt đầu xây dựng nhà máy và có những đơn hàng xuất khẩu chanh trái đi châu Âu và các sản phẩm chế biến đi Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Đối với thị trường trong nước, Chanh Việt dẫn đầu trong việc cung cấp nước cốt chanh, bột chanh, sản phẩm chanh sấy, bột chanh hòa tan cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn, thức uống… "Chavi có hơn 40 sản phẩm bán ra thị trường từ chanh, thanh long ruột đỏ, đông trùng hạ thảo... và đang nghiên cứu hơn 30 sản phẩm mới: tinh dầu chanh, nước cốt chanh, bột chanh, vỏ chanh sấy… Để quảng bá hình ảnh, gia tăng thêm giá trị của quả chanh, Chavi xây dựng khu du lịch sinh thái trải nghiệm Chavi Garden. Đây là cách để chúng tôi tăng giá trị cho quả chanh và xây dựng hình ảnh mới cho du lịch nông nghiệp nông thôn" - ông Nguyễn Văn Hiển nói.

Không chỉ doanh nghiệp, chính những người nông dân gắn bó bao đời với vùng châu thổ Cửu Long cũng đã mạnh dạn chuyển mình. Là một trong những hộ dân đi đầu thử nghiệm mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, anh Nguyễn Văn Nhạn, chia sẻ: "Tôi đã có kinh nghiệm nuôi tôm khoảng 20 năm, nhưng bén duyên với nuôi tôm sinh thái khoảng 8-9 năm trở lại đây. Nuôi tôm sinh thái trước hết nhẹ được chi phí đầu tư khoảng 50% so với cách nuôi truyền thống. Với diện tích 3ha nuôi dưới tán rừng với tỷ lệ 40% mặt nước, 60% diện tích rừng, tôi chỉ tốn 30-40 triệu đồng tiền cải tạo ao, con giống và men vi sinh. Tôm ăn thức ăn tự nhiên được sinh ra từ men vi sinh nên tôi nhẹ phần thức ăn. Mặt khác, với nguồn giống tôm sạch bệnh, tôm được "huấn luyện" không dùng thuốc, hóa chất ngay từ những ngày đầu thả nuôi nên sức đề kháng mạnh hơn khi đối mặt với sự cố dịch bệnh. Tôm nuôi dưới tán rừng mật độ chỉ 3 con/m2, sản lượng hằng năm đạt khoảng 1 tấn tôm, trừ hết các chi phí tôi lời khoảng 200 triệu đồng".

Và trách nhiệm không của riêng ai

Nỗ lực của những con người đồng bằng và vì ĐBSCL không bao giờ đơn lẻ. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Công ty CP Bình Điền và một số đơn vị tổng kết thực hiện mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2023-2024. Mô hình có diện tích khoảng 10ha tại xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thủy. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn, đào tạo về quy trình canh tác lúa thông minh sao cho giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới. Đặc biệt là cải thiện môi trường đất, tăng chất lượng lúa gạo, canh tác thân thiện môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình thực hiện, nông dân được áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc đến lúc thu hoạch và xử lý rơm rạ. Qua theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu, mô hình tại xã Vị Trung, người dân gieo sạ 60 kg/ha, đạt năng suất 9,9 tấn, lợi nhuận gần 65 triệu đồng. Tại xã Vị Bình, người dân gieo sạ 60 kg/ha, đạt năng suất 8,9 tấn, lợi nhuận gần 52 triệu đồng".

Thu hoạch lúa tại mô hình trình diễn quy trình canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: MỸ THANH

Chính quyền đóng vai trò quan trọng định hướng và điều tiết các mô hình nông nghiệp xanh, sạch tại địa phương. Ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Ngọc Hiển là vùng bãi bồi nên trù phú, có nhiều lợi thế nuôi tôm, cua, cá… Riêng  với con tôm huyện chia thành 2 vùng: chuyên nuôi tôm sinh thái và xen canh nuôi tôm công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh. Huyện đang định hướng người dân phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng và dần xóa các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Bởi vốn đầu tư ban đầu nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh lớn, rủi ro lại cao. Người nuôi có thể thắng lớn ở những vụ đầu nhưng càng về sau lại càng khó vì phải đối mặt với dịch bệnh ngày càng nhiều. Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng với tỷ lệ 40% mặt nước và 60% diện tích rừng vừa tạo môi trường sống tốt cho tôm vừa bảo vệ sinh quyển, điều hòa không khí. Ngoài nguồn lợi về tôm, người nông dân còn có nguồn thu từ khai thác rừng (sau khoảng 14-15 năm)".

Với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, hành trình chuyển đổi xanh của ĐBSCL còn được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. Theo TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), tại ĐBSCL, WWF tập trung vào việc thúc đẩy nông nghiệp tự nhiên dựa vào lũ để sản xuất lương thực bền vững. Ở vùng thượng lưu, ở các tỉnh đầu nguồn của đồng bằng, WWF hỗ trợ chuyển đổi sang hình thức canh tác nông nghiệp dựa vào mùa lũ, kết nối lại hệ thống sông và các cánh đồng lũ trước đây. Ở vùng đồng bằng ven biển, chúng tôi khuyến khích các mô hình tôm - lúa hoặc tôm - rừng ngập mặn để duy trì sản xuất lương thực bền vững, đồng thời tăng cường phục hồi rừng ngập mặn, trầm tích và chất lượng nước. WWF cũng thúc đẩy các sáng kiến về quản lý nghề cá bền vững và tăng cường quản lý các khu bảo tồn biển. Một trong những thành công lớn của WWF tại ĐBSCL là mô hình thí điểm trồng lúa - tôm luân canh tại Cà Mau. Mô hình đã đạt được chứng chỉ ASC đầu tiên cho nhóm hộ sản xuất tôm - lúa tại Việt Nam vào tháng 10-2022. Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với các hộ không tham gia Dự án, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án 10-40% so với các địa điểm thông thường khác

*    *     *

Câu chuyện chuyển đổi xanh tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL giờ đây là xu thế không thể đảo chiều. Xanh hóa không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân, môi trường sinh thái của đồng bằng mà còn là "tấm vé" để nông sản vào các thị trường cao cấp, các chuỗi, hệ thống bán lẻ hàng đầu thế giới.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Bài 2: Xanh hóa để vươn khơi, khẳng định vị thế

Chia sẻ bài viết