Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, mở rộng không gian phát triển. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ cho TP Cần Thơ. Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án…
Chậm tiến độ
Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ do Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 149,53ha; có 1.243 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án; dự kiến bố trí tái định cư khoảng 464 trường hợp. Theo Sở GTVT thành phố, đến nay, đã hoàn thành kiểm đếm nhà, vật, kiến trúc, cây trồng. Đã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ cho 672 hộ dân với số tiền là 1.002,18 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 54%; tiến hành chi trả cho 653 hộ dân với số tiền 975,24 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 52,5%. Bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt khoảng 50%. Dự án có 7 gói thầu xây lắp, hiện đang triển khai thi công 4 gói thầu (gói 16, gói 17, gói 19 và gói 20). Tính đến ngày 22-4-2024, giá trị khối lượng thực hiện của 4 gói thầu khoảng 369 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 16,92%. Các gói còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mới có kết quả thẩm định hồ sơ dự toán.
Công trường thi công cầu Vạn Lịch thuộc gói thầu 16 của dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ.
Hiện dự án đang bị chậm tiến độ do ảnh hưởng một số khó khăn. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có khoảng hơn 50% tổng số hộ dân bị ảnh hưởng đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và đã bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên còn những hộ dân chưa được phê duyệt (do vượt tổng mức đầu tư) nên mặt bằng chưa liên tục, chưa thể triển khai thi công đồng bộ các gói thầu số 16, 17, 19. Các khu tái định cư của quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và một số khu tái định cư chưa có giá nền. Vì vậy, chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Bên cạnh đó, đối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng gồm: đường dây điện trung, hạ thế của Công ty Điện lực TP Cần Thơ và hệ thống cấp thoát nước của Công ty CP cấp nước Cần Thơ 2. Đơn vị thực hiện đang hoàn tất thủ tục để làm cơ sở xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định nên chưa thực hiện di dời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Mặt khác, công tác đắp nền đường bị chậm tiến độ do nguồn cát đắp nền đang khan hiếm.
Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối quốc lộ 91 và quốc lộ 61C) có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỉ đồng. Chiều dài tuyến hơn 19,26km, đi qua địa bàn các quận: Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Điểm đầu giao với quốc lộ 91 (tại Km20+370 quốc lộ 91) và giao với đường tỉnh 922; điểm cuối giao với quốc lộ 61C (tại Km1+400 quốc lộ 61C). Dự án nhóm A; loại công trình giao thông (đường đô thị) cấp II, công trình cầu Ba Láng cấp I. Thời gian thực hiện từ năm 2021-2026.
Ưu tiên giải phóng mặt bằng
Tuyến đường Vành đai phía Tây thành phố được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ĐBSCL như quốc lộ 91, quốc lộ 61C, quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Ngoài ra, việc đưa dự án vào khai thác sử dụng góp phần rất lớn vào việc giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại… Thành phố quan tâm, tập trung gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết: Sở GTVT đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư dự án theo ý kiến của các sở, ban ngành thành phố. Dự kiến đến đầu tháng 5-2024 sẽ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố; đồng thời phối hợp để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trình cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận. Sở phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn bố trí năm 2024 đạt trên 95%. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định sớm bàn giao mặt bằng thi công…
Trong chuyến kiểm tra thực tế dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh: Đường Vành đai phía Tây là dự án chiến lược của thành phố, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Cần Thơ. Dự án hoàn thành càng sớm, giúp tăng nhanh tốc độ đô thị hóa của thành phố. Ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu Sở GTVT thành phố tập trung hoàn thành hồ sơ điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án trong tháng 6-2024 để trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp giữa năm. Đối với nguồn vốn được bố trí năm nay, ưu tiên cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây cầu vì làm cầu mất nhiều thời gian. UBND các quận, huyện tập trung cho công tác xây dựng các khu tái định cư để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng dự án. Đối với đơn vị thi công cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ dự án. Sở Xây dựng thành phố thực hiện sớm quy hoạch phân khu 1/2000 hai bên đường để khai thác quỹ đất, phục vụ phát triển thành phố. Ngoài ra, chủ đầu tư và các quận, huyện có thể tổ chức họp giao ban định kỳ 1 tháng/lần nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện…
Bài, ảnh: T. TRINH