29/04/2024 - 22:32

Khát vọng hòa bình
Bài 1: Dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc 

Ngày 30-4-1975, chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ kính yêu toàn thắng, đất nước thống nhất. Mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, nhân dân Việt Nam về một đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sau 30 năm trường kỳ kháng chiến đã trở thành hiện thực. Trong 2 cuộc kháng chiến đã qua và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bao thế hệ cách mạng và nhân dân đã cống hiến tuổi xuân, xương máu, đóng góp bao tâm huyết, trí tuệ để thực hiện khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc...

Càng gần đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, càng nhớ những đồng chí, đồng đội cùng ông vào sinh ra tử trong kháng chiến. Trong những thời điểm khó khăn, ác liệt, tất cả đều hướng về mục tiêu giành độc lập, thống nhất đất nước. Ðồng đội của ông có bao ước vọng, dự định sẽ thực hiện khi đất nước hòa bình nhưng nhiều người đã hy sinh trước ngày giải phóng. Sau những phút trầm ngâm suy tư, ông Ba Ngay nói: “Chúng tôi thương nhau còn hơn anh em ruột thịt. Khi đứng trước cái chết, chúng tôi chọn hy sinh bản thân để đồng đội được sống. Vì vậy, những người được hưởng thụ cuộc sống hòa bình, no ấm như tôi luôn nhận thấy trách nhiệm của mình đối với đồng chí, đồng bào, với quê hương, đất nước...”.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (thứ năm từ phải sang) viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Nhiều cán bộ, chiến sĩ TÐTÐ đang an nghỉ tại nghĩa trang này.

Những chiến sĩ kiên trung

Trong lời kể của ông Ba Ngay, hình ảnh những chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Ðô (TÐTÐ) thật oai hùng, sáng ngời phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ. Thành lập vào ngày 24-6-1964, trong 11 năm kháng chiến đến khi giành độc lập, TÐTÐ đã tác chiến gần 200 trận, lập nhiều chiến công vang dội. Trong đó, có nhiều trận đánh được xem là điển hình về chiến lược, chiến thuật. Ðiển hình như trận chống càn tại kinh Ông Hào (xã Trường Long, huyện Phong Ðiền) của TÐTÐ vào ngày 8-6-1965 đã đánh bại cuộc càn quét cấp sư đoàn, tiêu diệt gọn tiểu đoàn “Cọp đen” khét tiếng của địch. Hay như trận đánh tại kênh Tân Hiệp vào ngày 20 và 21-5-1966, gần 300 cán bộ, chiến sĩ của TÐTÐ và các đơn vị phối hợp, kiên cường đối đầu với lực lượng địch đông gấp 5 lần, được trang bị vũ khí hiện đại, có máy bay và xe bọc thép yểm trợ. Trận đánh căn cứ Quang Phong vào mùa hè năm 1972 cũng là trận đánh đi vào lịch sử, làm rạng danh TÐTÐ anh hùng. Riêng trận tấn công Chi khu Một Ngàn của TÐTÐ I và du kích, dân quân huyện Châu Thành vào đêm 7, rạng ngày 8-12-1974 giúp quân ta làm chủ hoàn toàn tuyến kinh Xà No, “mở toang cánh cửa” Lộ Vòng Cung, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. TÐTÐ cũng là lực lượng đầu tiên cắm lá cờ Quyết Thắng trên nóc dinh tỉnh trưởng Phong Dinh vào ngày 30-4-1975.

Trong đoàn quân tiến về giải phóng Cần Thơ, ông Ba Ngay, lúc đó là Tỉnh đội trưởng, kể: “Trước ngày giải phóng, địch đưa lượng lớn biệt kích, bảo an, gián điệp; nhiều máy bay, tàu chiến, xe bọc thép… càn quét Lộ Vòng Cung và các khu vực xung quanh. Ðịch lập nhiều đồn bót nhằm ngăn chặn quân cách mạng. Bộ đội chủ lực, địa phương quân, du kích và người dân hừng hực khí thế chuẩn bị cho ngày giải phóng...". Sáng sớm ngày 30-4-1975, Ban Chỉ huy Khởi nghĩa nội ô TP Cần Thơ ra lệnh cho các lực lượng trong nội ô nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu trọng yếu của địch. Chỉ trong 2 ngày (30-4 và 1-5-1975), quân và dân Cần Thơ đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Cần Thơ.

Suốt cuộc trò chuyện, trong ánh mắt lấp lánh niềm tự hào về đồng đội của ông Ba Ngay xen lẫn nỗi buồn, niềm tiếc thương vô hạn những đồng chí đã hy sinh. Ông còn nhớ như in hình ảnh chiến sĩ tên Giàu (y tá) bị trúng đạn ở bụng, trong trận Ông Hào năm 1965. Ðồng đội mang thuốc đến cứu chữa nhưng anh Giàu thều thào nói hãy để thuốc lại cho anh em bị thương nhẹ hơn…; hay hình ảnh chiến sĩ tên Bé quyết giành vị trí cảm tử trong trận đánh đồn Ông Tiêm năm 1968. Khi ấy, TÐTÐ chịu nhiều thiệt hại sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ðơn vị rút về xã Phú Hữu (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để củng cố lực lượng. Ðịch phản công, càn quét ác liệt nên cơ sở cách mạng đều tản cư, nhiều ngày anh em bị đói, chỉ ăn cháo loãng. Khi triển khai đánh đồn Ông Tiêm, anh Bé nói: “Anh Ba cho em xung phong trước. Ðánh xong đồn này, mình lấy gạo nấu cơm cho anh em ăn cho đã”. Anh Bé bắn xong 2 quả đạn B40, tiến tới mé đồn thì trúng đạn, hy sinh. Sau trận công đồn, trong bữa cơm hôm ấy, cả đơn vị đều khóc tiếc thương anh Bé.

Trong ký ức của Ðại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, luôn khắc ghi sâu đậm hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào kiên trung bám trụ, chiến đấu, hy sinh trên tuyến lửa Lộ Vòng Cung. Trong nhiều trận đánh ác liệt, ông Dũng nhớ nhất trận đánh 6 ngày đêm giữ Căn cứ lõm Vườn Mận (nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), từ ngày 28-9 đến 3-10-1970. Các đơn vị tham gia chiến đấu là Ðại đội 28, Ðại đội 292, Ðại đội 293. Trận địa nằm trong tầm đạn pháo của địch, xung quanh có 9 đồn bót. Trận đánh diễn ra vào mùa nước lên, mưa xuống, trận địa ngập trong nước. Qua 6 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ta bẻ gãy 13 đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương 74 tên địch.

Sa bàn và tranh về cuộc nổi dậy giành chính quyền của tù nhân ở Côn Ðảo ngày 1-5-1975.

Biến nhà tù thành trường học cách mạng

Ông Huỳnh Ngọc Tuyền, thương binh ¼, ở đường Phan Ðăng Lưu, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều là chiến sĩ TÐTÐ I. Ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi gần nửa thế kỷ được sống trong hòa bình, no ấm, chứng kiến quê hương, đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế. Ông thường kể chuyện trong chiến tranh để các con, các cháu hiểu và trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. Ông Tuyền bị thương nặng và bị địch bắt khi tham gia cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Tháng 10-1969, địch đưa ông từ Cần Thơ lên trại giam Hố Nai (Biên Hòa), sau đó đưa ông ra Nhà tù Phú Quốc. Tại khu C10, năm 1970, chi bộ nhà tù lãnh đạo ông Tuyền và đồng đội tổ chức cuộc đấu tranh lớn khi địch đặt trước cổng khu C10 tấm bảng có dòng chữ “Khu tân sinh hoạt”, tức khu vực những tù binh đồng ý chiêu hồi. Các tù binh tuyệt thực 7 ngày. Ðến ngày thứ bảy, địch vào đàn áp, các tù binh chống trả lại. Tù binh Lê Văn Bê là người kháng cự quyết liệt nhất. Chúng bắt ông bỏ vô bao bố, quăng vào chảo nước sôi dìm chết. Các tù binh tiếp tục đấu tranh cho đến khi địch gỡ bỏ tấm bảng.

Tháng 10-1971, ông Tuyền bị địch chuyển qua giam ở Phân khu B8. Sáng 6-5-1972, địch đưa tù binh ra sân vận động để lục xét các phòng giam. Ðến chiều, tù binh đấu tranh bằng cách không vào phòng giam. Ðịch đưa quân cảnh vào đánh đập tù binh, các tù binh chống lại quyết liệt. Ðịch dùng súng để trấn áp khiến 13 đồng chí hy sinh, 155 đồng chí bị thương... Các tù binh tiếp tục đấu tranh đòi đưa những người bị thương lên trạm xá; sáng hôm sau được tổ chức lễ truy điệu 13 đồng chí hy sinh; đòi địch dựng bia mộ cho anh em... “Tôi luôn nhớ anh Chín Chè là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Mỗi khi địch vào đàn áp anh em, anh đều đánh lại chúng. Ðịch tra tấn anh Chín Chè đến khi anh hy sinh. Ngày 6-5 được chọn làm Ngày thảm sát tù binh Phú Quốc, Phân khu B8” - ông Tuyền kể.

Giữa tháng Tư, chúng tôi ra Côn Ðảo viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, thăm Bảo tàng Côn Ðảo và các trại giam đã từng giam giữ hàng trăm ngàn người yêu nước, chiến sĩ cách mạng trong 113 năm của lịch sử Nhà tù Côn Ðảo. Cảm xúc càng dâng trào khi tôi nhớ đến câu chuyện về những cuộc đấu tranh quật cường của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù này mà tôi từng được nghe ông Phan Thanh Sĩ (Năm Sĩ), Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ, kể trước đây. Ông Năm Sĩ tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt năm 1968. Ðịch đã giam ông ở Khám lớn Cần Thơ, Khám Chí Hòa trước khi đưa ông ra Côn Ðảo cùng 500 tù nhân vào năm 1972. Ðịch chuyển ông Năm Sĩ qua nhiều trại, trong đó có Trại V. Tại đây, ông Năm Sĩ đã gặp nhiều đồng chí quê ở Cần Thơ, như: Ngô Hồng Vũ (Nhã), Ðỗ Văn Lai (Chín Ðoàn), Võ Tấn Hưng… Trong đó, ông Chín Ðoàn là Trưởng Ban Chỉ đạo Bí mật Trại V tập hợp các tù chính trị trực tiếp đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống của tù nhân; tổ chức học tập chính trị, văn hóa; tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm của ta… Ông Năm Sĩ còn nhớ lời ông Tô Văn Tư (Tư Tuôi) nói khi địch gọi tên trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973: “Các ông cứ để tôi ở lại đây. Khi nào đất nước độc lập, thống nhất, khi nào con tôi về thì tôi về”. Ông Tư Tuôi bị địch bắt sau Tết Mậu Thân năm 1968. Ông nhận ông Năm Sĩ là con sau nhiều năm sát cánh bên nhau trong các nhà lao đế quốc. Ông Tư Tuôi và ông Năm Sĩ là 2 trong 6 người tổ chức cuộc vượt ngục tại Khám lớn Cần Thơ vào năm 1969.

Ông Huỳnh Ngọc Tuyền (thứ ba từ phải sang) tham dự Tọa đàm “Ký ức tinh thần thép” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương (2004-2024).

Dưới sự đàn áp của địch tại Côn Ðảo, những tù nhân chính trị luôn động viên nhau giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, vững tin vào ngày hòa bình, đất nước độc lập, thống nhất. Các tù nhân cách mạng chuyền tay nhau những bài thơ của Bác Hồ trong tập “Nhật ký trong tù” để hun đúc thêm ý chí đấu tranh. Ông Năm Sĩ và các tù chính trị còn thực hiện các nội dung noi theo tấm gương của Bác Hồ do chi bộ nhà lao phát động, như: “Học theo bác”, “Ði theo Bác, “Làm theo Bác”… Ðêm 30-4-1975, tin miền Nam giải phóng đã ra tới Côn Ðảo. Ðến sáng 1-5, các trại giam đều biết tin và tổ chức Ðảng trong nhà tù lãnh đạo tổ chức lực lượng giải phóng Côn Ðảo.

(Còn tiếp)

Bài 2: Ði qua những đêm dài kháng chiến

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

 

Chia sẻ bài viết