01/05/2024 - 07:18

Khát vọng hòa bình
Bài 2: Đi qua những đêm dài kháng chiến 

Nhớ lại những đêm vượt sông Cần Thơ đưa thư cho cơ sở cách mạng, ông Châu Văn Đừng (Năm Đừng), 94 tuổi, ở ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, bồi hồi kể: “Lúc đó, tôi và nhiều người đều mong đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước nên không tiếc gì của cải, tính mạng. Nhiều đêm tôi vượt sông rất nguy hiểm, nhưng biết phía bên kia có cơ sở của ta. Và nhiều người là bà con của tôi”. Những đêm dài trong kháng chiến đã qua, nhưng với ông Năm Đừng và nhiều người, vẫn còn những đêm dài khác sau ngày đất nước thống nhất…

“Căn cứ” lòng dân

Ông Năm Đừng tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi. Lúc đầu, ông mang cơm cho bộ đội; sau đó, ông làm giao liên ở xã. Đêm nào, ông cũng đưa cán bộ, mang thư ra vào Lộ Vòng Cung. Ông đi suốt đêm, đến tờ mờ sáng mới về. Ban ngày, ông làm ruộng, trồng chuối, nuôi cá… để phục vụ kháng chiến. Từ năm 1966, địch bắt đầu ném bom, bắn pháo xuống quê ông. Gia đình ông nhiều lần phải tản cư ra Cái Răng, nhưng lúc địch bớt càn quét thì chống ghe về nhà. Mỗi lần về đều mang thuốc, nhu yếu phẩm cho bộ đội.

Ông Năm Đừng, 94 tuổi, ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nhiều gia đình trong xóm của ông Năm Đừng cũng tham gia nuôi chứa cách mạng. Nhà này không đủ hầm bí mật thì đưa cán bộ, bộ đội qua nhà kia. Cán bộ, bộ đội về đông thì chung tay nấu cơm, làm bánh… Những năm chiến tranh ác liệt, địch vừa bắn pháo, vừa đưa máy bay quần thảo vào ban đêm nhưng nhiều người dân trong ấp vẫn bám trụ, tiếp tế cho cách mạng. Ở gần nhà ông Năm Đừng có ông Bảy Hòa tham gia công tác binh vận. Trong một lần ra chợ Cần Thơ để lấy vũ khí theo hướng dẫn của cơ sở, ông Bảy Hòa bị địch bắt. Chúng đánh ông Bảy Hòa đến chết…

Bà Lâm Thị Mười, 88 tuổi, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy bị địch bắt giam ở Khám lớn Cần Thơ khi 19 tuổi, vì tham gia biểu tình chống chính quyền. Sau đó, địch đưa bà Mười đến Nhà tù Phú Lợi (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Tại đây, bà Mười chứng kiến vụ đầu độc tù chính trị của Mỹ - Diệm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12-1958. Các tù nhân tung nóc nhà giam kêu cứu; đối đầu với lực lượng trấn áp bằng hơi cay, dùi cui... Sau khi ra tù, bà Mười tiếp tục tham gia các tổ chức Đoàn, Hội ở xã Mỹ Khánh. Ngày 15-5-1966, trong một lần dẫn đường cho bộ đội đi đánh địch, bà bị máy bay Mỹ oanh tạc. Bà mù lòa từ đó. “Lúc biết mắt mình không còn nhìn thấy gì, tôi rất tuyệt vọng. Tôi từng nghĩ đến cái chết vì biết mình không thể tham gia cách mạng hay giúp đỡ gia đình nữa. Nhưng rồi bình tâm lại, tôi nghĩ mình phải sống để động viên các chị, em tiếp tục đấu tranh thống nhất đất nước, sống để được thấy ngày hòa bình” - bà Mười nhớ lại.

Ông Lâm Cảnh Chư (em trai bà Mười), 85 tuổi, cho biết nhiều anh, chị, em của ông bị địch bắt giam vì đấu tranh chống chính quyền. Trong ký ức của ông Chư, cha mẹ ông đã tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong 30 năm tham gia kháng chiến, giặc đã đốt nhà ông 4 lần. Riêng ông Chư, từ thời còn là học sinh đã tham gia rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh chống Mỹ - ngụy; vận động bạn bè không cộng tác với chính quyền địch, bị bắt lính thì không gây tội ác với đồng bào… Năm 1968, ông Chư bị triệu tập tham gia lớp đào tạo sĩ quan do có bằng tú tài II, nhưng ông chống lệnh, trốn sự truy nã của địch. “Má tôi làm cho tôi cái hầm bí mật gần chuồng heo, sát rạch. Đêm nào giặc đến lùng sục, tôi xuống hầm. Chúng làm căng, tôi bơi qua rạch, vô đám cây tra ngồi chờ chúng đi. Tôi bị truy nã nhưng lúc địch êm lại tiếp tục tham gia cách mạng ở xã Long Tuyền cho đến ngày giải phóng” - ông Chư kể.

Xoa dịu vết thương chiến tranh

Ông Lê Văn Vui (Ba Vui), 74 tuổi, ở khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều đã chiến đấu trong đội hình nhiều đại đội thuộc Biệt động Cần Thơ. Đơn vị của ông Ba Vui thường xuyên bám trụ ở Lộ Vòng Cung. Thời kỳ đó, địch đóng quân rải rác khắp nơi để càn quét. Nhiều lần đơn vị của ông ở cách đồn địch chỉ khoảng 500m. Ông có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng trong các cuộc tiến công đều dẫn đầu. Sau tiếng hô “xung phong”, đồng đội đã thấy ông ôm súng lao về phía trước, sẵn sàng giáp lá cà với địch. Ông luôn quan tâm chia sẻ, hết lòng chăm sóc các chiến sĩ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, tặng quà gia đình bà Lâm Thị Mười ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy trong một chuyến công tác tại TP Cần Thơ.

Năm 1973, sau những ngày chiến đấu trong Lộ Vòng Cung, đơn vị của ông Ba Vui được lệnh rút ra nghỉ ngơi. Ông Ba Vui tranh thủ thời gian đi đặt lờ kiếm cá về nấu ăn cho anh em. Lần nọ, ông vướng lựu đạn do địch gài. Ông nhanh chân chạy, chỉ bị thương nhẹ. Trước đó, năm 1969, ông Ba Vui cũng 2 lần bị vướng lựu đạn do địch gài trên đường đi kiếm thức ăn cho đồng đội. Ông Ba Vui kể: “Tôi cũng đề phòng, đi lại chú ý từng nhánh cây, bụi cỏ nhưng địch tìm nhiều cách gài lựu đạn. Tôi thoát chết 3 lần nhờ chạy nhanh và luôn đề phòng lựu đạn, thuốc nổ”.  

10 năm qua, ông Ba Vui chuyển nhà từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang về phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ sinh sống. Ông không ngờ sẽ có ngày về sống ở nơi từng là tuyến lửa Vòng Cung, nơi ông và đồng đội đêm ngày vượt sông hành quân và bám trụ, nơi nhiều đồng đội của ông đã nằm lại sau những trận đánh ác liệt trước ngày giải phóng. Trong những ngày kháng chiến, ông và vợ - một chiến sĩ quân báo Quân khu 9 - đã gặp nhau. Ông Ba Vui phấn khởi cho biết các con ông đều có công việc ổn định, thường đưa ông đi gặp gỡ các đồng đội, họp mặt ngày truyền thống đơn vị hằng năm...

Mặc dù vậy, những vết thương của chiến tranh vẫn còn âm ỉ. Chị Lê Thị Lan Phương, con gái ông Ba Vui, cho biết: “Di chứng của chiến tranh thật khủng khiếp với cha tôi. Nhiều đêm cha tôi rơi vào giấc mơ, như đang trong một trận đánh ác liệt năm xưa. Những lần như vậy, tôi đều nghe cha hô “xung phong”…”. Ông Ba Vui tuổi cao, nhiều bệnh. Tuy nhiên, ông đến bệnh viện điều trị, bác sĩ nói không thể làm các xét nghiệm kỹ thuật cao do ông còn nhiều mảnh đạn trong đầu, phổi. Mỗi lần chụp cộng hưởng từ (MRI), các mảnh đạn di chuyển theo thiết bị. Do đó, các bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán theo triệu chứng. Nhiều năm qua, ông Ba Vui phải dùng thuốc an thần mới ngủ được. Khi trái gió, trở trời, 11 vết thương trên cơ thể lại làm ông nhức nhói…

49 năm sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, mắt bà Trần Thị Bé Bảy (ở đường Phan Bội Châu, phường Tân An, quận Ninh Kiều) vẫn rưng rưng khi kể chuyện gia đình... Anh Sáu của bà Bé Bảy công tác trong lực lượng An ninh Cần Thơ. Năm 1973, sau một trận chiến đấu chống địch phá hoại Hiệp định Paris ở rạch Cái Nai (nay thuộc phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng), ông nhắn về quê nhờ em gái may cho bộ đồ vì chỉ còn chiếc quần. “Tôi mua vải may một bộ đồ và tìm cơ sở để nhờ gởi vô căn cứ cho anh. Nhưng đồ chưa tới tay anh thì gia đình tôi đã nhận tin anh Sáu hy sinh rồi” - bà Bé Bảy kể. Nỗi đau mất cha (hy sinh năm 1968) của bà Bé Bảy chưa nguôi, nỗi đau anh trai hy sinh lại chồng chất thêm. Sống trong vòng vây của địch, cả nhà bà Bé Bảy chỉ dám khóc vào ban đêm.

Vết thương của chiến tranh còn hằn trong tâm trí bà Bé Bảy và các thành viên của gia đình nhiều hơn thế. Và đó như đại diện bi kịch của nhiều gia đình ở miền Nam trong các thời kỳ kháng chiến: có người theo cách mạng, có người bị bắt lính. Theo bà Bé Bảy, anh Ba của bà tham gia bộ đội (Tiểu đoàn 303, Quân khu 9), chiến đấu trên địa bàn tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Trong một trận đánh, ông bị thương, đồng đội không đưa ông đi theo được. Một người dân đã đưa ông về chăm sóc. Sau đó, anh Ba của bà Bé Bảy bị bắt lính và chết trong một trận đánh với quân cách mạng vào năm 1972. Vì vậy, mẹ của bà Bé Bảy được tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và con trai thứ sáu hy sinh trong kháng chiến, nhưng bà vẫn canh cánh trong lòng về người con trai thứ ba đã tử trận…

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

(Còn tiếp)

Bài cuối: Giữ nước thời bình

Chia sẻ bài viết