Từ đầu năm đến nay, hiện tượng mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở bờ sông… đã xuất hiện và gây thiệt hại về kinh tế trên địa bàn TP Cần Thơ. Thời tiết hiện đang vào cao điểm mùa mưa, công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đang cần sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tập trung thực hiện.
Thiệt hại
Theo Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, do ảnh hưởng cơn bão số 2 xuất hiện tại vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trong những ngày qua thời tiết trên địa bàn TP Cần Thơ có mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng, trưa chiều có mưa, mưa rào và giông rải rác, tập trung nhiều vào khu vực trung tâm TP Cần Thơ và phía Đông Nam thành phố. Trong những ngày tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp, cần đề phòng mưa giông gây ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vùng biển từ Lâm Đồng đến Cà Mau (bao gồm vùng biển TP Cần Thơ) có mưa rào và giông rải rác. Gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-4m, biển động, cần quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi đánh bắt…

Đề phòng mưa giông làm gãy đổ cây xanh, nguy hiểm cho người đi đường.
Cuối tháng 6-2025, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, TP Cần Thơ (cũ) cũng xuất hiện mưa giông, với lượng mưa phổ biến 5-10mm, cục bộ có nơi trên 15mm. Trong cơn mưa có kèm theo giông lốc, làm đổ gãy cây cối, hư hại bảng hiệu, nhà cửa của dân trên địa bàn. Đặc biệt, mưa giông đã làm đổ ngã nhiều cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong… gây nguy hiểm, ảnh hưởng an toàn giao thông. Ông Nguyễn Văn Quốc, ở phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm nay, thời tiết phức tạp, mưa giông xuất hiện nhiều hơn so với những năm trước. Nhất là những trận mưa lớn thường xuyên gây ngập lụt đường phố, ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt của người dân. Mưa giông cũng làm gãy đổ cây xanh trên đường phố. Do đó, khi trời mưa lớn, giông gió xuất hiện bà con nên hạn chế ra đường, nhằm tránh những nguy hiểm có thể xảy ra”.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, hiện nay tình hình thiên tai trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra ngày càng phức tạp. Tính đến hết tháng 6-2025, TP Cần Thơ (cũ) đã xảy ra 3 loại hình thiên tai là sạt lở bờ sông, mưa lớn kèm theo giông lốc và triều cường. Thiên tai không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản gần 2,5 tỉ đồng.
Cụ thể, sạt lở bờ sông xảy ra 7 đợt, với tổng chiều dài 188m, làm sạt hoàn toàn 5 căn nhà (4 căn nhà hộ dân và 1 lò làm bánh tráng), 1 căn nhà bị ảnh hưởng và sụp đổ, rơi xuống sông 2 trụ điện trung thế, ảnh hưởng 4 tuyến lộ giao thông, ước thiệt hại tài sản trên 1,8 tỉ đồng. Mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra 8 đợt trên địa bàn (theo quận/huyện cũ): Bình Thủy, Thốt Nốt, Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ làm sập 2 căn nhà (1 nhà dân và 1 nhà kính trồng dưa lưới), tốc mái 16 căn nhà, ước thiệt hại tài sản khoảng 569 triệu đồng.
Đầu tháng 2-2025, xuất hiện một đợt triều cường gây ngập nghẹt đô thị, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân tại trung tâm TP Cần Thơ… Sau khi thiên tai xảy ra, ngành chức năng TP Cần Thơ và chính quyền địa phương kịp thời huy động lực lượng, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Phòng tránh
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, dự báo: Tổng lượng mưa trong mùa mưa 2025 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 5-15%. Trong đó, tháng 7, tháng 8 tổng lượng mưa từng tháng phổ biến 300-400mm (cao hơn so với TBNN 5-10%). Thời kỳ giảm mưa trong mùa mưa khả năng vào khoảng nửa đầu tháng 9-2025. Các địa phương cần chú ý đề phòng mưa, giông mạnh kèm theo lốc, sét sau các đợt giảm mưa vào giữa mùa mưa.
Đối với triều cường, tháng 8-2025 mực nước bắt đầu lên cao dần, đỉnh triều cường các tháng 9, 10, 11 và tháng 12 mực nước lên cao trên mức báo động III (2m) tại trung tâm TP Cần Thơ. Mực nước cao nhất năm 2025 có khả năng ở mức 2,2-2,3m (vượt báo động III từ 0,2-0,3m). Trên sông Hậu tại trung tâm TP Cần Thơ đỉnh triều cao nhất năm có khả năng xuất hiện vào gần cuối tháng 10 và giữa tháng 11-2025, đề phòng ngập nghẹt đô thị, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lớn, giông lốc, sạt lở đất và chủ động phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BNNMT ngày 8-5-2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025; đảm bảo việc chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; thực hiện duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động kiểm tra, rà soát, điều chỉnh các phương án, kế hoạch, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Huy động lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Triển khai các biện pháp cụ thể, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai (do sạt lở, triều cường, mưa lớn, giông lốc, áp thấp nhiệt đới, bão) phù hợp với diễn biến, tình huống thiên tai; không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước…
Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức lại lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn các cấp, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị và địa phương để đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt từ sau ngày 1-7-2025. Các cơ quan, đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…
Bài, ảnh: HÀ VĂN