(CTO) - Trong xu hướng xã hội hiện nay, độ tuổi kết hôn và sinh con ở nước ta ngày càng muộn, tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh và ý muốn cá nhân. Thực trạng này liên quan đến sự sụt giảm tỷ lệ sinh cũng như tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Tuy nhiên, liên quan trực tiếp đến thực trạng sinh con muộn là các nguy cơ đe dọa sự an toàn của cả mẹ và bé. Vì vậy, các khuyến cáo về sức khỏe sinh sản thường khuyến khích phụ nữ sinh con trước tuổi 35.
* Tuổi cao, bệnh nền và nguy cơ tiền sản giật
Mới đây, chị Thảo Quyên (44 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) quay trở lại BV Phụ sản TP Cần Thơ để thăm khám thai và sinh con lần 2. Con đầu lòng của vợ chồng chị cũng chào đời tại BV này 4 năm trước nên anh chị tin tưởng tay nghề các y bác sĩ nơi đây. Tuy nhiên, lần mang thai này, chị Quyên đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của cả hai mẹ con suốt thai kỳ.
Mặc dù mang thai thai tự nhiên, chị Quyên lại bị bệnh nền, u xơ tử cung với khối u to và nguy cơ tiền sản giật. Bản thân chị và chồng, người thân của chị đều vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nhờ các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát sao, can thiệp kịp thời cũng như thường xuyên an ủi, động viên, cuối cùng, sản phụ vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông.

BS CKII Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Sản bệnh tư vấn cho sản phụ. Ảnh: BV.
BS CKII Đỗ Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng khoa Sản bệnh, phẫu thuật viên của ê-kíp mổ bắt con cho chị Nguyệt, cho biết, sản phụ Quyên có thai kỳ nguy cơ cao và rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc mổ bắt con. Bởi vì thai phụ lớn tuổi, có bệnh nền, có vết mổ lấy thai cũ, u xơ tử cung to, thai to, đa ối, gia tăng nguy cơ chảy máu, phải truyền máu trong quá trình phẫu thuật, có thể cắt tử cung hay băng huyết, nhiễm trùng, dính thủng tạng, ruột do lần mổ trước. Rất may ê-kíp thực hiện ca mổ thành công, mẹ khỏe, bé khỏe; đồng thời bảo tồn được tử cung cho sản phụ.
Chồng của sản phụ Quyên cho biết, suốt quá trình vợ mang thai, anh hồi hộp, lo lắng, sợ xảy ra chuyện không hay với vợ con. Anh cận kề cùng vợ suốt quá trình khám thai định kỳ và gần đến ngày vượt cạn, quyết định đưa vợ trở lại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Nay vợ con khỏe mạnh, anh cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng vô cùng.
* Tuổi cao mang thai, rủi ro cao
Theo các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ, theo cơ chế sinh lý tự nhiên, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo độ tuổi; đặc biệt, từ sau 35 tuổi, số lượng và chất lượng trứng bắt đầu suy giảm; từ 40 tuổi trở đi, khả năng mang thai tự nhiên giảm rõ rệt, đồng thời nguy cơ sảy thai và bất thường nhiễm sắc thể tăng cao.
Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có rất nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khi mang thai. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ mắc các bệnh lý trong thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường. Thai phụ lớn tuổi gia tăng nguy cơ can thiệp y tế. Tỷ lệ mổ lấy thai cao hơn do khó chuyển dạ hoặc mẹ không đủ sức rặn sanh. Chị em còn đối mặt nguy cơ băng huyết sau sinh và chậm hồi phục hậu sản.
Đối với thai nhi, con của bà mẹ lớn tuổi mang thai tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt các bệnh liên quan nhiễm sắc thể (như Hội chứng Down). Nhóm trẻ này cũng gia tăng nguy cơ thai lưu, sinh non, chậm phát triển trong tử cung.
Từ thực tế những trường hợp lâm sàng tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, các bác sĩ ghi nhận, tỷ lệ phụ nữ mang thai ≥35 tuổi ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn. Trong nhóm này, các biến chứng thai kỳ được ghi nhận thường xuyên gồm: Tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, đòi hỏi theo dõi sát đường huyết và chế độ ăn nghiêm ngặt. Nhiều trường hợp thai phụ lớn tuổi mổ lấy thai chủ động do sợ biến chứng (ví dụ: sinh con đầu lòng lớn tuổi, có bệnh lý nền). Tỷ lệ sẩy thai hoặc thai ngưng tiến triển cũng tăng cao hơn.
Đối với thai phụ lớn tuổi, việc mang thai, sinh con đã khó, việc nuôi con có lẽ càng khó hơn. Liên quan đến tâm lý của phụ nữ sau sinh, đối với nhóm phụ nữ lớn tuổi, gia tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do lo âu thai kỳ, áp lực chăm con, kỳ vọng cao về vai trò làm mẹ. Lo âu và căng thẳng nhiều hơn do chính phụ nữ tự tạo áp lực khi mang thai ở độ tuổi không còn trẻ. Chị em kỳ vọng bản thân phải làm mẹ hoàn hảo, lo lắng về sức khỏe bản thân, khả năng nuôi dạy con tốt trong thời gian dài.
Những nguy cơ, hệ lụy của phụ nữ lớn tuổi mang thai dẫn đến sự mệt mỏi và giảm năng lượng rõ hơn. Theo các bác sĩ, sau tuổi 40, việc chăm sóc trẻ sơ sinh đòi hỏi thể lực, khiến người mẹ dễ kiệt sức, nhất là khi thiếu ngủ, không có người hỗ trợ. Bên cạnh đó, chị em còn gặp áp lực tài chính hoặc công việc - gia đình. Nhiều phụ nữ ở độ tuổi này đang trong giai đoạn phát triển sự nghiệp hoặc chăm sóc cha mẹ già, nên khi thêm con nhỏ, họ bị “kẹt giữa hai thế hệ”.
Làm thế nào để ổn định tâm lý, có đủ hiểu biết để có thể chăm sóc, nuôi dạy con mọn khi tuổi đời đã muộn là trăn trở của không ít chị em. Theo các bác sĩ BV Phụ sản TP Cần Thơ, trước hết, người mẹ cần chăm sóc bản thân tốt nhất để có sức khoẻ chăm lo nuôi dạy con tốt. Chị em cần được ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin sau sinh. Sản phụ cần được sự hỗ trợ từ người thân, gia đình trong việc chăm con và chị em không nên ôm đồm mọi thứ một mình. Đừng ngại nói ra cảm xúc mệt mỏi, lo lắng, bởi lẽ, chia sẻ là cách tốt để giải tỏa và ngăn ngừa trầm cảm sau sinh. Nếu cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, buồn bã - hãy tìm kiếm sự chia sẻ của người thân hoặc tìm đến bác sĩ hỗ trợ.
THU SƯƠNG