28/04/2024 - 08:13

Vĩnh Long nỗ lực huy động nguồn lực phát triển nhà ở đô thị 

Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, tổng nguồn vốn phát triển nhà giai đoạn đến năm 2025 của tỉnh là 44.229 tỉ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh đã và đang tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay từ ngân hàng, vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng nhà ở. Với nhiều khu dân cư, đô thị khang trang, hiện đại được hình thành, không gian đô thị Vĩnh Long cũng ngày càng mở rộng.

Vĩnh Long nỗ lực phát triển nhà ở, mở rộng không gian đô thị theo hướng khang trang, hiện đại. Ảnh: AN CƯ

Giải quyết nhu cầu nhà ở đô thị

Trong định hướng phát triển nhà ở khu vực đô thị, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại theo dự án góp phần đa dạng sản phẩm nhà ở cho người dân lựa chọn, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của người dân, tiết kiệm nguồn lực đất đai,... Chú trọng đầu tư nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, đối tượng được hưởng chính sách. Ðồng thời phát triển nhà ở hình thành các tuyến dân cư nông thôn theo các trục hành lang chính kết nối với các đô thị nhằm khai thác hạ tầng sẵn có, góp phần hạn chế nguy cơ sạt lở ven sông, rạch và phát triển nhà ở khu vực nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Long xác định đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng thêm khoảng 37.093 căn nhà (nhà ở thương mại, nhà ở trong các khu đô thị, khu dân cư khoảng 8.353 căn; 2.300 căn nhà ở xã hội; nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 26.440 căn). Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hoàn thành xây dựng thêm khoảng 43.160 căn nhà (khoảng 10.476 căn nhà ở thương mại; 3.600 căn nhà ở xã hội; nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 29.084 căn). Tổng nguồn vốn giai đoạn đến năm 2025 là 44.229 tỉ đồng (nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 10.475 tỉ đồng; nhà ở xã hội khoảng 1.776 tỉ đồng; nhà ở riêng lẻ do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31.978 tỉ đồng). Tổng nguồn vốn giai đoạn 2026-2030 là 56.201 tỉ đồng. Nguồn vốn này từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vốn vay ngân hàng, ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để đầu tư xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn thu từ quỹ đất 20% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội.

Song song đó, tỉnh cũng tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho phù hợp với thực tế và quy hoạch chung của vùng ÐBSCL làm cơ sở đẩy nhanh công tác chấp thuận đầu tư các dự án nhà ở, nhằm tăng tính hấp dẫn trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.

Cải thiện chất lượng nhà ở

Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long, chất lượng nhà ở được cải thiện qua từng năm. Năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 305.230 căn nhà, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 27,8m² sàn/người. Nhà kiên cố và bán kiên cố toàn tỉnh chiếm khoảng 96,84%. Ðến năm 2025, phát triển thêm 26.440 căn nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2024, tỉnh cần phát triển khoảng 7.149 căn nhà (nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư khoảng 144 căn; nhà ở xã hội khoảng 229 căn; hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 6.776 căn). Qua đó, nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 96,9%; kéo giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ xuống còn 3,1%; diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh năm 2024 phấn đấu đạt 28,9m² sàn/người. Dự báo trong năm toàn tỉnh cần khoảng 8.684 tỉ đồng để xây dựng hoàn thành các loại nhà ở (nhà ở thương mại là 301 tỉ đồng; nhà ở xã hội 193 tỉ đồng; các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng là 8.190 tỉ đồng).

Tỉnh ưu tiên phát triển các dự án nhà ở tại những khu vực đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Không phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới tại những khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng tương ứng. Cùng với đó, thực hiện quy hoạch và bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án có quy mô lớn tại khu vực các đô thị đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực đô thị. Bên cạnh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ đặc biệt của tỉnh đối với các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, về phía các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt dự án, giảm thiểu các thủ tục cho chủ đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

Với việc đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư, tỉnh Vĩnh Long cũng đang thực hiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quy hoạch này, đến năm 2030, toàn tỉnh Vĩnh Long có 11 đô thị gồm: 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Cụ thể, TP Vĩnh Long là đô thị loại II; thị xã Bình Minh là đô thị loại III; thị trấn Vũng Liêm và thị trấn Trà Ôn hiện là đô thị loại V sẽ trở thành đô thị loại IV; đô thị Hựu Thành, thị trấn Long Hồ, đô thị Phú Quới, thị trấn Cái Nhum, thị trấn Tam Bình, Ðô thị Cái Ngang, thị trấn Tân Quới là đô thị loại V. TP Vĩnh Long cũng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của tỉnh; tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; là đầu mối kết nối giao thông quan trọng của tỉnh Vĩnh Long và vùng ÐBSCL. Thị xã Bình Minh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và kho vận, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh.l

AN CƯ - HỒNG PHÚC

Chia sẻ bài viết