06/04/2024 - 07:22

Chuyển đổi xanh
Hành động vì một Mekong Delta thịnh vượng, đáng sống 

Bài cuối: Chung quyết tâm, cùng hành động

Những người nông dân trồng cây ăn trái, nuôi con cá, con tôm, làm ra hạt lúa của vùng ĐBSCL vừa phải thích ứng với yêu cầu thị trường, vừa phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu nhưng họ không hề đơn độc trên hành trình chuyển đổi xanh. Hành động vì một đồng bằng trù phú, thịnh vượng đã và đang trở thành khẩu hiệu chung, hành động chung của cả chính quyền, cộng đồng, xã hội...

Huy động mọi nguồn lực

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo tham vấn về ý tưởng đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ÐBSCL (PDO) trên cơ sở Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thông tin: Dự án triển khai ở 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL (trừ Bến Tre). Thời gian thực hiện từ năm 2026-2031, tổng chi phí thực hiện dự kiến khoảng 375 triệu USD. Trong đó, 360 triệu USD từ khoản vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB) và 15 triệu USD là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương. Mục tiêu của PDO là để thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp chất lượng cao tại các tỉnh mục tiêu ở ĐBSCL thông qua  đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.

Liên kết sản xuất trên quy mô lớn là lời giải cho bài toán chuyển đổi xanh của nông nghiệp ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH

Nhiều tổ chức tín dụng xanh nhận thấy sự cần thiết và sẵn sàng tham gia vào quá trình giảm tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông Lê Phước Hoài An, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa, HSBC Việt Nam, cho biết: Tại Việt Nam, HSBC phối hợp với WWF trong các dự án trồng rừng ở Cà Mau, thông qua chương trình hành động trong 5 năm trồng khoảng 150ha rừng ngập mặn ở Cà Mau. Bởi rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ CO2 gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới, mang đến tác dụng chống xói mòn đến 50 lần so với kè và tạo ra hệ thống sinh thái đa dạng cho Việt Nam. Từ 2019, HSBC triển khai các khoản vay xanh vào thị trường Việt Nam song rất ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu hoặc hiểu về các khoản tài chính xanh, nhưng sau đó họ tiếp thu rất nhanh. Hiện tại, HSBC Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gần 2 triệu USD cho tín dụng xanh và phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, qua làm việc với các đối tác có khoảng 600 triệu USD dành cho nông nghiệp thuận thiên ở ĐBSCL. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh sách 16 dự án để hỗ trợ ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP với tổng kinh phí khoảng 2,7 tỉ USD của một loạt các định chế tài chính cho vay đối với các thành phố lớn ở Việt Nam. Với lĩnh vực nông nghiệp, dự án "Chống chịu biến đổi khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án với kinh phí trên 200 triệu USD. Dự án sẽ còn tiếp tục tạm rà soát và đề xuất khoảng 5-6 dự án trong vòng một với tỷ lệ cho vay rất ưu đãi dành cho các tỉnh ĐBSCL mà qua tính toán bước đầu có thể lên đến khoảng 500 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á hiện nay phối hợp với Chính phủ Hà Lan hỗ trợ 16 triệu USD cộng với khoản vay của các đối tác phát triển khoảng 60 triệu USD để khôi phục lại rừng ở ĐBSCL… Đây là những nguồn vốn rất quý báu cho ĐBSCL trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho vùng còn hạn hẹp.

Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chung tay với thế giới hướng đến nền kinh tế xanh, vùng ĐBSCL và ngành Nông nghiệp của vùng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn bao giờ hết. Ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan ĐBSCL, WWF Việt Nam nhấn mạnh, ĐBSCL có thể thông qua các đối tác phát triển để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan chính phủ, quỹ đầu tư… Vấn đề là phải đề xuất các chương trình, dự án chất lượng cao, hiệu quả thiết thực, tính khả thi cao về kinh tế, xã hội, môi trường của dự án. WWF sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hiện thực hóa các cam kết về thực hiện các giải pháp thuận thiên cũng như tranh thủ sự hỗ trợ kết nối với mạng lưới các đối tác để tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ cho sự phát triển thuận thiên của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Các nguồn lực của vùng ĐBSCL cần được chắt chiu trân quý, gợi mở, cần có nguồn lực tốt, giải pháp tốt và những mô hình tốt, có sự cộng hưởng ở từng địa phương, từng nông dân, chủ thể của quá trình nông nghiệp thuận thiên. Bộ NN&PTNT​ kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên. Đồng thời, phối hợp cùng Chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư cho các dự án không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL… Tiếp tục tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.

Liên kết - Câu chuyện cũ còn nguyên giá trị

Hành trình hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững ở ĐBSCL phải kể đến 2 quyết sách lớn. Đó là: Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" định hướng phát triển vùng một cách toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước và Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030… Các quyết sách này có cùng điểm chung là đặt yêu cầu liên kết lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: Phát triển nông nghiệp thuận thiên cần sự tham gia vào hệ sinh thái của tất cả các bên từ Chính phủ cho đến cư dân, từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực các đối tác phát triển, các trường đại học, các doanh nghiệp tư nhân, các quỹ đầu tư và cuối cùng người nông dân là trung tâm. Quan trọng để thúc đẩy được nền nông nghiệp thuận thiên, chúng ta phải có đủ quy mô để giới thiệu với thế giới và với người tiêu dùng, có đủ uy tín để thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thuận thiên. Quy mô sản xuất lớn hơn và quy mô thị trường lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cảm hứng cho những người làm nông nghiệp thuận thiên.

Nhiều chuyên gia khẳng định, nếu bài toán liên kết được giải quyết rốt ráo, sinh kế của người dân đồng bằng sẽ cải thiện mạnh mẽ. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho biết: "Mô hình tôm lúa nếu như triển khai như hiện tại hầu như không cần nhiều vốn vì người nông dân chỉ đầu tư khoản tiền nhỏ mua lúa giống và tôm giống là có thể đạt doanh thu từ 250-500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, để đạt được doanh thu 1-2,5 tỉ đồng/ha/năm, người nông dân phải liên kết hợp tác lại thành thửa ruộng lớn, cánh đồng tôm lúa lớn, liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Đầu tư cơ sở hạ tầng để cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí, tăng năng suất, tăng sản lượng. Nếu cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc vận động người nông dân liên kết hợp tác thành tổ hợp tác, nhiều tổ hợp tác thành hợp tác xã kiểu mới thì doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng lên đến 10 lần".

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhấn mạnh: Nông nghiệp xanh, tuần hoàn là xu thế thời đại. Một số thị trường như châu Âu chẳng hạn, họ không đồng ý, thậm chí tẩy chay những sản phẩm gây hại đến môi trường. Hiện Trung An đã thực hiện giảm khí CO2, mê tan thông qua sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu xay xát, vận hành nhà máy và cũng thu được kết quả bước đầu. Trước đây, công ty bán gạo chỉ khoảng 700 USD/tấn trở lại, nhưng khi gắn tín chỉ carbon thấp giá bán từ 750-800 USD/tấn và khách hàng sẵn sàng chấp nhận. Theo ông Phạm Thái Bình, để sản xuất lúa gạo xanh, sạch, giảm phát thải mối liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân là mấu chốt. Trong đó, doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng để đưa ra tiêu chí và giải pháp để nông dân làm theo. Nông dân trong vùng nguyên liệu không có lý do từ chối canh tác theo quy trình sạch bởi họ được hưởng lợi nhờ sản phẩm nâng cao giá trị được doanh nghiệp thu mua, đó là chưa kể nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết