Cận thị - tình trạng suy giảm thị lực buộc đôi mắt phải điều tiết để có thể tập trung hoặc nhìn rõ các vật ở xa - đang ngày càng phổ biến, nhiều chuyên gia thậm chí xem nó là một “dịch bệnh”. Tỷ lệ cận thị bình quân toàn cầu vào năm 2000 là 23%, song con số này đang tiếp tục tăng và các nhà nghiên cứu nhãn khoa ước tính khoảng 50% dân số thế giới sẽ phải mang kính cận vào năm 2050 nếu tình trạng cận thị không được kiểm soát.
Các hoạt động ngoài trời và dưới ánh sáng tự nhiên giúp hạn chế nguy cơ cận thị.
Cận thị phát triển như thế nào?
Mặc dù nguy cơ cận thị có thể cao hơn ở những người có cha và mẹ đều cận thị, nhưng sự thật là không có gien nào gây cận thị - nghĩa là nguyên nhân dẫn đến tật thị giác này là do hành vi sống nhiều hơn di truyền.
Các bác sĩ nhãn khoa đã phát hiện quá trình phát triển của cận thị nhờ tiến hành nghiên cứu trên gà con. Cụ thể, họ đã cho gà con đội mũ bảo hiểm nhỏ với phần kính che mắt có thể được điều chỉnh để ảnh hưởng đến thị lực của gà. Giống như ở con người, nếu hình ảnh đầu vào bị méo, mắt gà con sẽ phát triển quá lớn dẫn đến cận thị. Do là bệnh tiến triển nên nhìn mờ khiến mắt to lên và vì vậy tiếp tục thấy mờ, rồi mắt lại to thêm.
Dựa trên các khảo sát sâu rộng đối với trẻ em và các bậc phụ huynh, 2 nghiên cứu gần đây càng củng cố quan điểm cho rằng nguyên nhân quan trọng dẫn đến gia tăng cận thị là do mọi người dành nhiều thời gian để tập trung vào các vật thể đặt ngay trước mắt (như màn hình máy tính, ti vi, điện thoại). Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng yếu tố gây tổn thương mắt chính là do thường xuyên “dán mắt” vào màn hình các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngay cả những hoạt động bổ ích như tập trung đọc sách cũng ảnh hưởng đến thị lực.
Nguyên nhân dẫn đến “dịch bệnh” cận thị
Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa lý giải được tại sao tỷ lệ cận thị ngày càng gia tăng. Xét tổng thể, một nguyên nhân lớn khiến cận thị gia tăng là do quá trình phát triển và công nghiệp hóa nhanh chóng của các nước Đông Á trong 50 năm qua. Giai đoạn này, giới trẻ dành nhiều thời gian ở trường để đọc sách, học hành và tập trung vào những vật rất gần mắt, trong khi ít tham gia các hoạt động ngoài trời.
Những năm gần đây, tỷ lệ cận thị ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc tăng nhanh, nhưng cũng không nhiều bằng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và một số quốc gia Đông Á khác. 2 yếu tố chính dẫn đến tăng tỷ lệ cận thị vẫn là do dành nhiều thời gian cho các hoạt động đòi hỏi phải tập trung nhìn đồ vật ở gần mắt và giảm thời gian hoạt động ở ngoài trời.
Phòng ngừa và kiểm soát cận thị
Theo các chuyên gia nhãn khoa, thường xuyên kiểm tra mắt và điều chỉnh thị lực (bằng mắt kính) là yếu tố rất quan trọng để hạn chế nguy cơ cận thị hoặc ngăn bệnh tiến triển. Lưu ý, người bị cận thị nặng cần đề phòng nguy cơ mù lòa và các vấn đề nghiêm trọng khác về mắt như bong võng mạc - tình trạng võng mạc tuột khỏi lớp mô ở đáy mắt. Nếu không được điều trị kịp thời, bong võng mạc có thể gây mù vĩnh viễn. Ngoài ra, nguy cơ thoái hóa điểm vàng do cận thị cũng tăng 40% cho mỗi độ tăng thêm.
Có 2 biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa hoặc trì hoãn những ảnh hưởng của tật cận thị. Đó là giảm bớt thời gian nhìn các vật ở gần mắt và tăng thời lượng tiếp xúc ánh sáng ngoài trời. Bên cạnh đó, chúng ta cần cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên và ưu tiên việc đọc sách và lướt tin tức dưới ánh sáng tự nhiên.
Ánh sáng ngoài trời giúp hạn chế cận thị ở trẻ em
Theo một nghiên cứu thực hiện năm 2022, tỷ lệ cận thị ở những trẻ ít tham gia hoạt động ở ngoài trời (chỉ 1-2 lần/tuần) cao hơn gấp 4 lần so với những trẻ hòa mình vào thiên nhiên hàng ngày. Những trẻ dành hơn 3 giờ/ngày để đọc sách hoặc xem màn hình thiết bị có nguy cơ cận thị cao gấp 4 lần so với những trẻ dành 1 giờ hoặc ít hơn để làm việc đó.
Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia đã tiến hành phân tích 7 nghiên cứu so sánh thời gian ở ngoài trời với tỷ lệ cận thị và cũng phát hiện ra rằng dành nhiều thời gian ở ngoài trời hơn có thể làm giảm nguy cơ cận thị và làm chậm tiến triển của nó. Cứ thêm 1 giờ hoạt động ngoài trời/tuần thì nguy cơ cận thị giảm đi 2%.
|
AN NHIÊN (Theo StudyFinds)