28/04/2024 - 23:33

Thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, việc làm 

Ngay sau khi HÐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ-HÐND quy định chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (Nghị quyết số 11), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) thành phố đã tổ chức hội nghị triển khai và kịp thời đưa vào thực hiện.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố mời gọi các công ty đưa lao động đi LVƠNN trực tiếp gặp gỡ, sơ tuyển lao động tại các sự kiện giao dịch việc làm. 

 

Trong ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng tháng 4-2024 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (LVƠNN) trực tiếp sơ tuyển lao động làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, các công ty có nhu cầu tuyển lao động nam, nữ, từ 18-38 tuổi, trình độ 12/12, cho các ngành, nghề: chế biến thực phẩm, gia công cơ khí, may, vận hành máy giặt ủi tự động. Mức lương mỗi tháng từ 26-32 triệu đồng/người. Mỗi người đủ điều kiện tham gia đơn hàng được hỗ trợ 2 triệu đồng; được vay tối đa 100 triệu đồng chi phí đi LVƠNN. Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố, trước đó, Trung tâm kịp thời đăng tải các thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc các nước: Nhật Bản, Ðài Loan, Hàn Quốc lên mạng xã hội, chuyển đến các ngành, các cấp chính quyền địa phương để thông tin cho người lao động tham gia dự tuyển. Từ đầu năm 2024 đến nay, có nhiều đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản, với điều kiện, tiêu chuẩn, ngành nghề chi phí phù hợp lao động TP Cần Thơ.

Sở LÐ-TB&XH TP Cần Thơ và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ký kết chương trình phối hợp thực hiện cho vay đối với NLÐ đi LVƠNN theo hợp đồng và ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc trên địa bàn thành phố. Ðối tượng và mức cho vay theo Nghị quyết số 11. Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động có nhu cầu đi LVƠNN theo hợp đồng các khoản chi phí học ngoại ngữ, khám sức khỏe, đi lại… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi về chi phí, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lâu nay, chỉ cần người lao động thật sự quyết tâm nắm bắt cơ hội, mạnh dạn đăng ký đi LVƠNN.

Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm TP Cần Thơ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố vừa triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động nông thôn năm 2024. Theo đó, có 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp với 560 lao động nông thôn tham gia; trong đó, ít nhất 85% lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập sau đào tạo. Ưu tiên lao động học nghề thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, khuyết tật, bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, phụ nữ mất việc làm, nghèo, cận nghèo; lao động có nhu cầu đào tạo tại các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, hợp tác xã... Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp theo điểm c, điểm d khoản 2, Ðiều 3, Nghị quyết số 11. Theo ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên quận Ô Môn, là đơn vị tham gia đào tạo nghề, Trung tâm đang phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động có nhu cầu đăng ký học nghề, thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 11.

Trong tháng 3-2024, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai phối hợp Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố mở 5 lớp đào tạo các nghề: điện dân dụng, hàn, may công nghiệp, cắt tóc (đợt 1) cho 175 người đang cai nghiện tập trung. Các nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) lý thuyết kết hợp thực hành, tạo cơ hội nghề nghiệp cho người sau cai nghiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Ông Huỳnh Minh Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thời gian tới, trường tiếp tục phối hợp mở 5 lớp đào tạo các nghề (đợt 2) cho 175 người đang cai nghiện tập trung, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm theo quy định tại Ðiều 6, Nghị quyết số 11 đúng mục đích, yêu cầu, phát huy hiệu quả và tránh lãng phí, thát thoát ngân sách nhà nước trong đào tạo nghề.

Ðể các chính sách quy định tại Nghị quyết số 11 được vận dụng hiệu quả và đi vào cuộc sống, đảm bảo người lao động được tiếp cận, thụ hưởng kịp thời, đầy đủ, Sở LÐ-TB&XH thành phố đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành. Theo đó, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở xây dựng các sản phẩm, với các hình thức tờ rơi, tờ bướm, sổ tay, video clip, hoặc thiết kế đăng tải trên các trang mạng xã hội, mạng lưới cộng tác viên để tuyên truyền, phổ biến đến các địa phương, người dân trên địa bàn thành phố nắm rõ và thực hiện tốt, nhất là công tác đưa lao động đi LVƠNN theo hợp đồng.

Các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đang nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện và vận dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 đạt hiệu quả tốt nhất. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết