09/08/2023 - 22:04

Tăng tốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 triển khai trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình chưa hoàn thiện, cả nước phải gồng mình chống dịch COVID-19... Tuy nhiên, chương trình đã qua giai đoạn khởi động (2021-2022) với kết quả hoàn thành đạt và vượt mục tiêu đề ra. Bước sang giai đoạn tăng tốc để về đích (2023-2025) đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm từ cấp Trung ương đến địa phương trong huy động nguồn lực; thống nhất quan điểm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị; nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng NTM…

Đường giao thông nông thôn đầu tư khang trang tại xã NTTM nâng cao Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.

Hoàn thành đạt và vượt kế hoạch

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương, đánh giá: “Với kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM (2010-2020), các địa phương đã chủ động hơn trong triển khai chương trình ngay từ những năm đầu giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM tiếp tục được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Số liệu tổng hợp cho thấy, phần lớn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) đầu tư trên địa bàn nông thôn đều ưu tiên tập trung hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí NTM. Cùng với đó, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tiếp tục lan tỏa rộng rãi, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Sau gần 3 năm triển khai, cả nước đã huy động hơn 1,7 triệu tỉ đồng đầu tư thực hiện chương trình”.

Tại nhiều địa phương, xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, giải quyết được các vấn đề bức xúc, thiết thực của cư dân nông thôn. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Tùy tình hình thực tế, mỗi huyện, xã của thành phố xác định những tiêu chí mang tính đột phá, tạo điều kiện để thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó, tập trung cho các tiêu chí phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là trọng tâm, có tính chất quyết định, lan tỏa cho các tiêu chí còn lại. Với nỗ lực, quyết tâm cao, đời sống vật chất, tinh thần tại các xã xây dựng NTM của thành phố có bước chuyển biến vượt bậc. Ðến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt trên 64 triệu đồng/người/năm, NTM kiểu mẫu đạt trên 70,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chuẩn mới) khu vực nông thôn giảm dưới 2,5%; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch là 89,5%.

Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế đến tháng 7-2023, cả nước có 73,65% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 11,3% so với cuối năm 2020; 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020; 19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Về kết quả thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, với 5.069 chủ thể tham gia.

Thống nhất tư duy, hành động

Bên cạnh kết quả đạt được, các xã đạt chuẩn NTM của một số vùng vẫn còn khoảng chênh lệch lớn. Ðến nay chưa có huyện thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðặc biệt, vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội...

Ông Ngô Trường Sơn nhấn mạnh: “Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM, gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Ðồng thời, triển khai hiệu quả 11 nội dung của chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình; quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023”.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Ngọc Hè kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu và đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm tín dụng phục vụ chương trình xây dựng NTM… Ðồng thời, sớm ban hành quyết định về cơ cấu, tổ chức bộ máy của hệ thống Văn phòng điều phối NTM thống nhất từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phát huy hiệu quả, hiệu lực điều phối của Văn phòng điều phối NTM đối với chương trình Xây dựng NTM và chương trình OCOP.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: Xây dựng NTM là chương trình đa mục tiêu, không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà còn hướng đến xây dựng cuộc sống NTM ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Ðể nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình, các địa phương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với đó, phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Cả nước đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu…

Chia sẻ bài viết