21/05/2024 - 18:46

Tại sao châu Âu chưa thể tự chủ quốc phòng? 

Xung đột về tầm nhìn chính trị, cạnh tranh khốc liệt giữa các tổ hợp công nghiệp và sự thống trị lâu nay của vũ khí Mỹ bị cho đang cản trở châu Âu thực hiện mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn.

Bom, đạn chùm của Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraine.  Ảnh: NYT

Hồi tháng 4, lãnh đạo quốc phòng Pháp và Ðức đã ký thỏa thuận xúc tiến dự án phát triển xe tăng chiến đấu thế hệ mới trị giá hàng tỉ USD. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ðức Boris Pistorius, thành tựu “đột phá” này là cột mốc quan trọng trong tiến trình hoàn tất dự án Hệ thống chiến đấu chính trên bộ (MGCS) do hai nước đồng tài trợ.

Giới phân tích cho rằng, sự hồ hởi của Bộ trưởng Pistorius là dễ hiểu khi tiến trình phát triển khí tài chung giữa Ðức - Pháp bị đình trệ do nảy sinh nhiều bất đồng kể từ lúc khởi xướng vào năm 2017. Tiến bộ này đồng thời củng cố nỗ lực tự chủ phòng thủ của châu Âu trong bối cảnh khu vực bớt thờ ơ về chi tiêu quân sự khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, công ty tư vấn Pantheon Macro Economics cho biết các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro đang trên đà tăng gấp đôi chi tiêu cho quốc phòng, từ 162 tỉ USD năm 2021 lên 348 tỉ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, thách thức châu Âu đối mặt không chỉ có tài chính mà còn bao gồm rào cản chính trị và những vấn đề hậu cần khác, đe dọa nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng để bổ sung kho vũ khí gần như cạn kiệt sau hơn 2 năm viện trợ cho Ukraine.

Về cơ bản, các nước châu Âu dựa vào chiến lược quốc phòng tổng thể và các mục tiêu chi tiêu do Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đề ra. Nhưng tổ chức này không kiểm soát quá trình mua sắm thiết bị do mỗi thành viên đều có cơ sở quốc phòng và chính phủ mỗi nước có tiếng nói riêng về ưu tiên chính sách. Trong bối cảnh thị trường rời rạc, hầu hết các nước châu Âu đều gặp khó trong việc hợp lý hóa chi phí và đảm bảo thiết bị, bộ phận và đạn dược có thể thay thế cho nhau. Ðây cũng là một phần lý do khiến chương trình MGCS của Ðức và Pháp trì trệ.

Ngoài vấn đề trên, nỗ lực tự chủ của châu Âu còn vấp phải thách thức về tầm nhìn chính trị. Chẳng hạn như Pháp, nước có kho vũ khí hạt nhân riêng, đã liên tục kêu gọi châu Âu đầu tư lực lượng quân đội mạnh và độc lập hơn về chiến lược để cân bằng sự thống trị của Mỹ trong NATO. Ngược lại, chủ nghĩa hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 khiến Ðức thoải mái hơn với quan hệ đối tác giữa Brussels và Washington. Ðiều này dẫn tới 2 xu hướng mua vũ khí ở châu Âu hiện nay, trong đó những nước như Ðức và Ba Lan chủ trương sắm thiết bị quân sự từ Mỹ cùng những đồng minh châu Á. Ngược lại, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Thụy Ðiển ưu tiên khả năng tự cung tự cấp khi kêu gọi đầu tư vào dây chuyền sản xuất của châu Âu. Chung quan điểm đó, Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 3 đã công bố Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng mới yêu cầu các nước Liên minh châu Âu (EU) dành một nửa ngân sách quốc phòng cho những nhà cung cấp trong khối vào năm 2030 và nâng lên 60% vào năm 2035.

Theo Giám đốc điều hành Michael Johansson của nhà sản xuất vũ khí Thụy Ðiển Saab, chiến lược của EU “đi đúng hướng”. Nhưng nếu muốn phát triển ngành công nghiệp có hàng tỉ USD đầu tư, giới lãnh đạo châu Âu phải đưa ra cam kết lâu dài về tiêu thụ sản phẩm và giải quyết câu hỏi quan trọng về kinh phí. Theo hiệp ước của EU, các nước thành viên bị cấm sử dụng quỹ của khối để mua vũ khí và điều này gây khó cho những quốc gia như Pháp vốn gánh những khoản nợ khổng lồ sau đại dịch COVID-19. Những thành viên như Hà Lan, Phần Lan và Ðan Mạch thì cảnh giác nguy cơ EC được trao thêm quyền lực thông qua những khoản trợ cấp để gây ảnh hưởng đến các hợp đồng quốc phòng.

Nhìn chung, châu Âu vận hành số lượng các hệ thống vũ khí nhiều gấp 5 lần so với Mỹ ở các hạng mục như xe tăng, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và đạn dược. Nhưng với sự chắp vá và tình trạng bất hợp tác giữa nhiều công ty, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu không thể cạnh tranh với những “gã khổng lồ” của Mỹ như Boeing, Lockheed Martin và General Dynamics.

MAI QUYÊN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết