21/05/2024 - 22:50

Thốt Nốt

Nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở 

Với vị trí tiếp giáp với sông Hậu, quận Thốt Nốt cũng như các địa phương khác trên địa bàn TP Cần Thơ có hệ thống sông ngòi chằng chịt. Hằng năm, Thốt Nốt chịu nhiều tác động của dòng chảy, biến đổi khí hậu dẫn đến sạt lở bờ sông, kênh rạch, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tính mạng, tài sản của nhân dân. Ðể hạn chế, quận Thốt Nốt triển khai nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở và cần sự đầu tư, hỗ trợ của thành phố cũng như bộ, ngành chức năng…

Lực lượng cứu hộ quận Thốt Nốt hỗ trợ người dân trục vớt tài sản bị sụp đổ xuống kênh rạch vào cuối tháng 4-2024.

Công trình kè phòng, chống sạt lở khẩn cấp kênh Thơm Rơm vừa mới hoàn thành, người dân tại khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) vui mừng, phấn khởi. Bởi trước đây (năm 2023), khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân, mà còn làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con.

Theo UBND quận Thốt Nốt, tuyến kênh Thơm Rơm qua địa bàn phường Thuận Hưng có dòng chảy xiết, xuất hiện nhiều điểm sạt lở trong các năm qua. Trong đó điểm sạt lở tại khu vực Tân Phú nghiêm trọng nhất. Cuối năm 2023, vị trí sạt lở này được TP Cần Thơ triển khai xây dựng kè kiên cố.

Gần đây, chủ đầu tư công trình (Chi Cục thủy lợi TP Cần Thơ) nghiệm thu và bàn giao Công trình kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Thơm Rơm cho địa phương. Công trình có tổng chiều dài gần 100m, xây dựng theo phương án tường đứng, bê tông cốt thép, kết hợp thảm đá gia cố mái. Công trình có hệ thống lan can, vỉa hè, đường giao thông… với tổng kinh phí xây dựng trên 5,7 tỉ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước. Qua nghiệm thu, công trình được đánh giá xây dựng theo thiết kế, đúng bản vẽ, đảm bảo chất lượng…

Thời gian qua, quận Thốt Nốt tăng cường các giải pháp phòng, chống sạt lở bằng biện pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, vào ngày 29-4-2024, trên sông Cái Sắn đoạn qua phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt xảy ra sạt lở làm ảnh hưởng 2 căn nhà. Trong đó, hộ ông Bùi Văn Ngân bị sụp hoàn toàn căn nhà phía sau, thiệt hại tài sản hơn 700 triệu đồng. Ðến ngày 30-4, trên tuyến sông Thốt Nốt đoạn qua phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt bị sạt lở dài trên 100m, làm 3 căn nhà tiền chế bị sụp xuống sông, thiệt hại tài sản hơn 80 triệu đồng.

Trước đó, ngày 3-4, tại kênh Cần Thơ Bé, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt xuất hiện sạt lở làm 3 căn nhà của người dân bị sụp xuống sông và 2 căn có nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp. Ðiểm sạt lở dài 35m, ăn sâu vào bờ 6m… Các khu vực sạt lở trên còn xuất hiện nhiều điểm rạn nứt, đe dọa sạt lở có khả năng xuất hiện trong những ngày tới.

Sau khi các vụ sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) quận Thốt Nốt đã chỉ đạo, huy động lực lượng giúp đỡ người dân tháo dỡ, di dời khẩn cấp các vật dụng, đồ dùng đến nơi an toàn. Ðồng thời lắp đặt biển báo, cảnh báo, thông báo rộng rãi cho người dân quanh khu vực không đến gần nơi sạt lở; báo cáo các vụ sạt lở về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố để có phương án hỗ trợ, khắc phục sạt lở.

Trước tình hình diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, địa phương đã khẩn trương xây dựng các phương án phòng chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, chỉnh trang đô thị. Cụ thể, công trình gia cố đoạn sạt lở bờ phải sông Cần Thơ Bé thuộc phường Trung Kiên, với chiều dài 71m, kinh phí đầu tư trên 1,17 tỉ đồng; hiện đơn vị tư vấn đang lập hồ sơ mời thầu chào hàng cạnh tranh qua mạng gói thầu thi công xây dựng.

Công trình gia cố các đoạn sạt lở trên tuyến kênh Thắng Lợi khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, có chiều dài 78m, kinh phí đầu tư trên 1,18 tỉ đồng; công trình đang trình Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Thốt Nốt thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gia cố sạt lở tuyến rạch Cả Hô, phường Tân Lộc, có chiều dài 91m, kinh phí đầu tư 817,718 triệu đồng; công trình đang trình Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Gia cố các đoạn sạt lở trên tuyến kênh Thơm Rơm thuộc khu vực Tân Phú, Tân An, phường Thuận Hưng, có chiều dài 76m, kinh phí đầu tư trên 1,18 tỉ đồng; công trình đang trình Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Công trình gia cố các đoạn sạt lở bờ phải kênh Trà Bay thuộc phường Thốt Nốt đang trình Phòng Quản lý Ðô thị quận thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Gia cố sạt lở bờ trái kênh Thơm Rơm, phường Thuận Hưng được đơn vị tư vấn thẩm tra dự toán - thiết kế bản vẽ thi công. Gia cố đoạn sạt lở kênh Trại Mai, sông Bò Ót thuộc phường Thới Thuận và Thuận An cũng được đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Gia cố sạt lở bờ phải tuyến kênh Thơm Rơm thuộc phường Tân Hưng, gia cố xây dựng kè chống sạt lở thuộc khu vực Phúc Lộc 2 - phường Thạnh Hòa cũng được đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật…

Các công trình trên đang hoàn thành thủ tục để có thể khởi công thực hiện trong thời gian sớm nhất trong năm 2024.

Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, Trưởng Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN quận, cho biết: Ðể hạn chế tình trạng sạt lở, thiên tai xảy ra khi mùa mưa bão 2024 đến, quận Thốt Nốt chủ động tổ chức các đoàn khảo sát thực địa để tiến hành rà soát các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước trên các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn; kịp thời thông báo, cảnh báo để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt là nâng cao ý thức phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; chỉ đạo các phòng chức năng chủ động rà soát các tuyến đường giao thông cặp theo các tuyến sông, kênh rạch thuộc phạm vi quản lý, hạn chế tải trọng và tốc độ xe lưu thông để chủ động phòng, chống sạt lở (đặc biệt là đối với các tuyến đường đã xuất hiện các vết nứt, sụt lún); thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc UBND các phường kiểm tra tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép trong hành lang sông, kênh rạch; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đến nơi ở an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết