19/05/2024 - 12:57

Gỡ khó và thu hút đầu tư các dự án bất động sản 

Thị trường bất động sản (BÐS) TP Cần Thơ được các nhà đầu tư và các sở, ngành hữu quan đánh giá ngày càng đi vào thực chất. Dòng vốn BÐS được tập trung cho các dự án đáp ứng nhu cầu ở thực, có khả năng trả nợ vay, luân chuyển vốn... Thành phố quan tâm đầu tư các dự án nhà ở xã hội, cũng như từng bước tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư dự án BÐS trên địa bàn.

Chung cư nhà ở xã hội Nam Long ở quận Cái  Răng.

Hướng dòng vốn vào thực chất

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, đến cuối tháng 4-2024, dư nợ cho vay lĩnh vực BÐS trên địa bàn thành phố là 35.100 tỉ đồng, chiếm 22,05% tổng dư nợ, giảm 0,48% so với tháng 12-2023. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, không chỉ riêng về tín dụng BÐS mà tổng tín dụng toàn ngành kinh tế trong những tháng đầu năm tăng trưởng chưa cao. Toàn quốc chỉ tăng 1,6% và Cần Thơ tăng 1,3%. Tín dụng BÐS tại TP Cần Thơ cũng nằm trong tình cảnh đó khi trong 4 tháng đầu năm không tăng so với năm 2023. Tuy nhiên là dòng vốn đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Hiện nay tại TP Cần Thơ, vướng mắc trong hoạt động tín dụng BÐS được liên quan nhiều đến thủ tục hành chính, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðây cũng là một phần hạn chế về tiếp cận tín dụng đối với BÐS. Nhìn chung trong 2 năm 2022 và 2023, tín dụng BÐS lại có phần chững lại và BÐS chững lại. Tín dụng BÐS tăng chậm trong những năm vừa qua và trong những tháng đầu năm 2024, song dòng vốn tín dụng BÐS đi vào thực chất hơn, đi vào những cái dự án có hiệu quả và có khả năng hoàn trả, luân chuyển dòng vốn tốt. Trong khi người dân bớt lướt sóng và chỉ những người có nhu cầu cụ thể mới vay vốn tín dụng ngân hàng. Như vậy dòng vốn tín dụng đi đúng hướng và đúng mục đích.

Thời gian qua, các DN BÐS trên địa bàn thành phố cũng gặp một số khó khăn liên quan đến việc tiếp cận đất đai, xác định giá đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính trong các dự án BÐS DN đang đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BÐS TP Cần Thơ. Ðối với giải quyết các khó khăn của các dự án BÐS, Hiệp hội BÐS thành phố đề xuất Chủ tịch UBND thành phố giao cho trách nhiệm của các đơn vị khẩn trương giải quyết các vấn đề vướng mắc về thẩm định giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền tái định cư khi đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Vì các dự án đóng góp quan trọng cho thành phố, tạo điều kiện để tăng thu cho ngân sách, tạo nguồn thu từ tiền sử dụng đất… Hiệp hội cũng mong thành phố quan tâm đến các lĩnh vực đầu tư ngoài ngân sách, hỗ trợ phát triển các dự án BÐS, về đô thị. Ðồng thời, dành thời gian họp DN BÐS để hỗ trợ gỡ khó khăn về vấn đề thuế, về thủ tục pháp lý.

Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, thời gian qua, Sở Xây dựng thường xuyên tham mưu UBND thành phố thực hiện các giải pháp để đảm bảo quản lý thị trường BÐS phát triển an toàn, lành mạnh. Ðồng thời, cung cấp công khai thông tin các dự án BÐS đang mời gọi đầu tư trên địa bàn thành phố. Sở cũng hỗ trợ các đơn vị trong lĩnh vực nhà ở xã hội để được vay vốn từ các chương trình tín dụng dành cho nhà ở xã hội. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thẩm định đối tượng vay… Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị đầu tư dự án khu dân cư thực hiện bàn giao hạ tầng kỹ thuật về cho thành phố để thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai cho người dân. Bởi chủ đầu tư dự án phải hoàn thiện hạ tầng và bàn giao hoàn toàn hạ tầng kỹ thuật và thực hiện nghĩa vụ tài chính nhằm đảm bảo đầy đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cân đối chi phí, tập trung quy hoạch

Ngày 11-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BÐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngày 3-4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án “Ðầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số 7448/NHNN-TD về tiếp cận tín dụng, tăng cường hỗ trợ tín dụng BÐS và nhà ở xã hội. NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết để tiếp cận tín dụng một cách tốt nhất.

Theo ông Trần Quốc Hà, NHNN Chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, cắt giảm bớt các chi phí để có mức lãi suất và có những chương trình tín dụng phù hợp đối với khách hàng vay vốn đảm bảo cho người dân có nhu cầu về tín dụng BÐS đều có thể tiếp cận được vốn tín dụng. Tuy nhiên, người dân phải chứng minh được năng lực tài chính, khả năng hoàn trả và có một dòng tiền trong tương lai để thanh toán khoản vay. Bởi vì tín dụng BÐS là tín dụng dài hạn, cho nên phải chứng minh được nguồn thu nhập và sử dụng vốn đúng mục đích sẽ được tiếp cận vốn tín dụng một cách tốt nhất. Ðối với doanh nghiệp BÐS phải rà soát lại các chi phí và tăng cường hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đảm bảo hồ sơ pháp lý đầy đủ để tạo điều kiện cho ngân hàng có khả năng thẩm định, hỗ trợ vốn một cách tốt nhất. Ðồng thời cũng rà soát lại các chi phí để làm sao có giá BÐS phù hợp với thị trường hơn. Ngân hàng đồng hành cùng DN hỗ trợ về lãi suất, về tín dụng. Tuy nhiên, các DN BÐS cũng phải rà soát nhằm giảm giá bán và tăng cường tiếp thị để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Bên cạnh các dự án BÐS đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, thành phố cũng quan tâm phát triển nhà ở xã hội. Theo ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, xuất phát từ công tác quy hoạch, hiện nay thành phố thực hiện nghiêm túc việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, các dự án đầu tư của thành phố và kể cả trong quy hoạch. Hiện nay sở đang tham mưu UBND thành phố để đầu tư, thu hút đầu tư các dự án nhà xã hội độc lập. Nghĩa là ngoài các dự án nhà đầu tư phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, sẽ có thêm những dự án độc lập, thành phố sẽ thực hiện đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội độc lập này. Riêng về quy hoạch, gắn với các khu công nghiệp đều phải thực hiện quy hoạch các khu nhà ở xã hội cũng như các thiết chế phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Thời gian qua, trong các quy hoạch và trong dự báo về phát triển các khu công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đều đảm bảo đáp ứng nhu cầu quy hoạch nhà ở xã hội. Và để các dự án nhà ở xã hội sớm được hiện thực hóa việc tạo lập quỹ đất, xúc tiến mời gọi đầu tư, thúc đẩy hỗ trợ các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác là vấn đề thành phố đang quan tâm và quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết