21/05/2024 - 18:51

Cả Israel và Hamas đều chỉ trích quyết định của ICC 

Ngày 20-5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích nỗ lực của Trưởng công tố Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm xin lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao nước này và thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas liên quan đến những hành động trong cuộc chiến kéo dài 7 tháng qua ở Dải Gaza.

Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và Yehya Sinwar, thủ lĩnh Hamas ở Gaza.

Trưởng công tố ICC Karim Khan cáo buộc Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cùng 3 thủ lĩnh Hamas gồm Yehya Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh, về tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza và Israel.

Ông Netanyahu gọi những cáo buộc trên là một “sự ô nhục” và là cuộc tấn công vào quân đội và toàn bộ Israel. Theo Thủ tướng Israel, mặc dù ICC sẽ không ảnh hưởng đến hành động của nước này nhưng nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến của Israel nhằm chống lại Hamas.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích quyết định của ICC là “thái quá”, đồng thời bác bỏ cáo buộc nói cuộc chiến của quốc gia đồng minh ở Gaza là “tội ác diệt chủng”. Hamas cũng lên tiếng tố cáo hành động của Trưởng công tố ICC.

Sau khi Hamas sát hại khoảng 1.200 người Israel, chủ yếu là dân thường, và bắt 250 người khác làm con tin ngày 7-10-2023, Tel Aviv đã tiến hành chiến dịch quân sự mạnh tay nhằm tiêu diệt nhóm chiến binh này ở Gaza. Theo ước tính của các quan chức y tế Gaza, hơn 35.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh, với một nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em.

Tác động từ lệnh bắt giữ đối với ông Netanyahu

ICC không có lực lượng cảnh sát hoặc cơ quan chức năng để thực hiện việc bắt giữ. Tòa án này phải dựa vào sự hợp tác của các nước thành viên để thực hiện lệnh bắt giữ, chuyển nghi phạm đến trung tâm giam giữ ICC ở Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thi hành án.

Mặc dù các công tố viên ICC cho biết họ đang xin lệnh bắt giữ nhưng quyết định cuối cùng về việc cấp bất kỳ lệnh bắt giữ nào thuộc về một hội đồng thẩm phán. Theo tòa án, để ban hành lệnh bắt giữ, các thẩm phán phải được thuyết phục rằng có cơ sở bằng chứng hợp lý để tin rằng nghi phạm đã phạm tội.

Israel không phải là thành viên của ICC nên ngay cả khi lệnh bắt giữ được ban hành, các ông Netanyahu và Gallant không phải đối mặt với bất kỳ nguy cơ bị truy tố ngay lập tức nào.

Trong khi đó, “Nhà nước Palestine” là thành viên của ICC từ năm 2015, vì vậy về mặt lý thuyết, trong tương lai các tổ chức quản lý Gaza, nơi các ông Sinwar và Deif được cho là đang ẩn náu, có thể giao nộp 2 nhân vật này cho tòa án. Ông Haniyeh, thủ lĩnh tối cao của Hamas, hiện ở Qatar và thường xuyên đi lại khắp khu vực. Giống như Israel, Qatar không phải là thành viên của ICC.

Tuy nhiên, mối đe dọa bắt giữ có thể gây khó khăn cho lãnh đạo Israel và Hamas trong việc công du nước ngoài. Các vị này có nguy cơ bị bắt và đưa đến Hague để xét xử nếu họ tới một trong 124 quốc gia thành viên của ICC, bao gồm hầu hết các nước châu Âu. “Israel sẽ bị tách biệt hơn sau động thái này. Nếu lệnh bắt giữ được tiến hành, các quan chức được nêu tên sẽ khó có thể đi đến 2/3 thế giới”, Stephen Rapp, người đứng đầu Văn phòng Tư pháp Hình sự Toàn cầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.

 ICC được thành lập vào năm 2002 và là tòa án quốc tế cao nhất chuyên điều tra và truy tố những cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội ác xâm lược. Quy chế Rome thành lập ICC được thông qua năm 1998. 124 quốc gia thành viên đã ký kết Quy chế Rome và thẩm quyền của ICC. Tòa án này cũng được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, một số nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Israel không ký quy chế và không chấp nhận thẩm quyền hoặc quyết định của ICC. Cho đến nay, ICC đã ban hành tổng cộng 42 lệnh bắt giữ và bắt giữ 21 nghi phạm. Các thẩm phán đã kết án 10 nghi phạm và tuyên trắng án cho 4 người. Hiện tại, 17 người mà ICC đã ban hành lệnh bắt giữ vẫn chưa bị bắt.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết