20/05/2024 - 15:02

Các quy định về bảo vệ trẻ em

Hỏi: Những hành vi nào bị nghiêm cấm đối với trẻ em (TE)?

Đáp: Luật TE năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với TE gồm: tước đoạt quyền sống của TE; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt TE; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột TE; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc TE tảo hôn; sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc TE thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; cản trở TE thực hiện quyền và bổn phận của mình; không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về TE bị xâm hại hoặc TE có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; kỳ thị, phân biệt đối xử với TE vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của TE; từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị TE có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm…

Hỏi: Các yêu cầu bảo vệ TE được quy định như thế nào?

Đáp: Việc bảo vệ TE được thực hiện theo 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Bảo vệ TE phải bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và cung cấp dịch vụ bảo vệ TE. Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ TE. Việc bảo vệ TE phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. TE được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Việc đưa TE vào cơ sở trợ giúp xã hội là biện pháp tạm thời khi các hình thức chăm sóc tại gia đình, gia đình nhận chăm sóc thay thế không thực hiện được hoặc vì lợi ích tốt nhất của TE.

Cha mẹ, người chăm sóc TE và TE phải được cung cấp thông tin, được tham gia ý kiến với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc ra quyết định can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ TE. Coi trọng phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho TE; kịp thời can thiệp, giải quyết để giảm thiểu hậu quả; tích cực hỗ trợ để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho TE có hoàn cảnh đặc biệt.

Hỏi: Trong trường hợp có hành vi vi phạm xâm hại TE thì trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại TE của tổ chức, cá nhân được quy định như thế nào?

Đáp: Luật TE 2016 quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại TE, trường hợp TE bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với TE. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại TE; quy định quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin thông báo tố giác hành vi xâm hại TE.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ TE trên môi trường mạng có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ TE khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc TE có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để TE biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho TE theo quy định của pháp luật.

H.Y

Chia sẻ bài viết