Một phát hiện đáng lo ngại vừa được công bố trên Tạp chí Jama Network Open: Những trẻ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến (Ultra-processed Food - UPF) sớm có biểu hiện sức khỏe tim mạch kém và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ khi mới 3 tuổi.
Thực phẩm siêu chế biến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường cho trẻ nhỏ.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đến từ nhiều trường đại học ở Tây Ban Nha đã theo dõi sức khỏe của 1.426 trẻ từ 3-6 tuổi ở 7 thành phố, tỷ lệ nam - nữ tương đương nhau. Cụ thể, họ đã sử dụng một bảng câu hỏi về thực phẩm và đồ uống gồm 125 món để xác định chế độ ăn hằng ngày của trẻ, đồng thời thu thập dữ liệu đánh giá sức khỏe như chỉ số khối cơ thể (BMI) của cả bé và mẹ. Dựa trên mức độ tiêu thụ UPF, số trẻ trên được chia thành 3 nhóm: tiêu thụ UPF mức độ “thấp”, “trung bình” và “cao”.
Dữ liệu sức khỏe của các nhóm cũng được đối chiếu để xem liệu có bất kỳ rủi ro sức khỏe nào xuất hiện hay không, chẳng hạn như như có chỉ số BMI cao hơn hoặc mức cholesterol “tốt” HDL thấp hơn. Ðược biết, hàm lượng cao cholesterol “tốt” HDL giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, trong khi hàm lượng thấp chất này có liên quan đến sự phát triển của bệnh tim mạch vành.
Kết quả phân tích cuối cùng chỉ ra rằng so với nhóm tiêu thụ UPF ít nhất, nhóm tiêu thụ UPF nhiều nhất thường có BMI cao hơn, số đo vòng eo lớn hơn, lượng mỡ cơ thể nhiều hơn và mức đường huyết cao hơn. Cả 4 chỉ số này đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2, dạng bệnh vốn thường ảnh hưởng đến người trung niên và làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và mù lòa. Ngoài ra, nhóm trẻ em ăn nhiều UPF còn được phát hiện có mức cholesterol “tốt” HDL thấp hơn so với những trẻ ăn nhiều thực phẩm toàn phần hoặc chế biến ít hơn. Mẹ của các bé thuộc nhóm này thường trẻ tuổi và có BMI cao hơn.
Các tác giả cho biết UPF thường chứa nhiều muối, calorie, chất béo và đường nhưng lại ít chất xơ, những đặc điểm được coi là tác nhân dẫn tới các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim mạch. Hơn nữa, tiêu thụ quá nhiều calorie, chất béo bão hòa và đường góp phần làm tăng cân và tăng nguy cơ béo phì, yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra bệnh tim mạch. Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật về các hóa chất và phụ gia được thêm vào UPF cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên khi tiêu thụ nhóm thực phẩm này.
Nhận xét về kết quả trên, Tiến sĩ Duane Mellor, chuyên gia dinh dưỡng kiêm người phát ngôn của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh, cho biết: “Khi xem xét dữ liệu kỹ hơn, ban có thể thấy những đứa trẻ tiêu thụ UPF nhiều nhất có xu hướng ăn ít thực phẩm lành mạnh hơn như rau , trái cây, các loại hạt, hạt, đậu, nhưng ăn nhiều thịt chế biến sẵn, kẹo và đồ uống có đường”.
Nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng thực phẩm siêu chế biến có thể không trực tiếp gây tổn hại sức khỏe, song chúng có thể khiến mọi người ăn thực phẩm ít dinh dưỡng hơn, về lâu dài dẫn đến kết quả sức khỏe kém hơn. Qua đây, các tác giả kêu gọi các nhà chức trách triển khai các sáng kiến y tế cộng đồng nhằm thúc đẩy việc thay thế UPF bằng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc được chế biến tối thiểu và tốt cho sức khỏe.
Cách phân biệt các nhóm thực phẩm
Theo hệ thống phân loại Nova do các nhà khoa học Brazil phát triển cách đây hơn 1 thập kỷ, thực phẩm được chia thành 4 nhóm chính dựa trên số lần trải qua quá trình chế biến, bao gồm: chưa qua chế biến (trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, thịt, cá tươi), chế biến tối thiểu (thực phẩm được sấy, tiệt trùng, tẩm ướp), đã qua chế biến (thường chứa thêm dầu, bơ, đường và muối trong khi nấu) và siêu chế biến - UPF. Trong đó, UPF là những thực phẩm trải qua nhiều quá trình chế biến công nghiệp và thường chứa nhiều đường, muối, chất béo và các chất phụ gia giúp món ăn trở nên bắt mắt, thơm ngon hơn cũng như kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, quá trình này khiến UPF làm tăng lượng đường trong máu, làm giảm cảm giác no và làm hỏng hệ vi khuẩn đường ruột, gồm cả những vi khuẩn có lợi giúp chúng ta duy trì sức khỏe tốt.
AN NHIÊN (Theo Daily Mail)