21/05/2024 - 09:15

Nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai 

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) nhận định, gần đây, tình hình thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt, không theo quy luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất… của người dân. Nhất là bão, lũ, sạt lở đất, triều cường, giông lốc xảy ra liên tiếp, với cường độ mạnh, trên phạm vi rộng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Mùa mưa bão năm 2024 bắt đầu diễn ra, công tác phòng ngừa, bảo vệ an toàn tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân đang được các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Công tác ứng cứu, TKCN được triển khai thực hiện nghiêm túc tại điểm sạt lở bờ sông Ô Môn, thuộc huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Thiên tai gây thiệt hại lớn

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2023 thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân; nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm 2022. Cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế trên 9.324 tỉ đồng. Riêng, từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại ÐBSCL; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, giông lốc, sấm sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước; động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển… Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỉ đồng. Tại TP Cần Thơ, đầu năm 2024 đến nay chịu ảnh hưởng do nắng nóng, khô hạn, đặc biệt trên địa bàn thành phố xảy ra 9 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh, rạch. Trong đó, tháng 4-2024 đã xảy ra đến 8 vụ sạt lở, sụt lún, ảnh hưởng trên 20 căn nhà và một kho gạo, thiệt hại tài sản trên 12 tỉ đồng...

Hằng năm, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai được bộ, ngành Trung ương và địa phương chú trọng thực hiện, đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai. Các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 8.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở, bao gồm: 4.500 tỉ đồng cho 30 tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở; 4.000 tỉ đồng cho 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Thành lập các tổ công tác do Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì để kiểm tra việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ các địa phương; các địa phương đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động PCTT với tổng kinh phí trên 3.070 tỉ đồng…

Ứng phó

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT năm qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm nhưng phát sinh cái mới, cần sớm được khắc phục, như tình trạng chủ quan, bất cẩn như đánh cá, vớt củi, di chuyển qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu... dẫn đến thiệt hại về người. Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình PCTT nói riêng còn thấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật thường xuyên, chưa bám sát thực tiễn, nhất là các tình huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn. Công tác thành lập đội xung kích PCTT cấp xã có nơi còn hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, lốc, sấm sét còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất trong một số trường hợp còn chưa được kịp thời, đầy đủ… Ðây là những hạn chế cần nghiêm túc khắc phục thời gian tới".

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 sẽ có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11-2024). Trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như giông, lốc, sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024; tình trạng sụt lún, sạt lở, triều cường, mưa giông tiếp tục xảy ra ở khu vực ÐBSCL…

Trước nhận định trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án về PCTT; phòng thủ dân sự; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng… trên phạm vi cả nước. Tập trung lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai. Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng ÐBSCL. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trọng điểm, chuẩn bị ứng phó thiên tai, sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình PCTT; các địa phương cần có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ thiên tai có thể xảy ra…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, chỉ đạo: "Từ nay đến cuối năm 2024, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần kiện toàn lại bộ máy PCTT, TKCN và phòng, thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về PCTT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về PCTT; tăng cường kiểm tra, giám sát hạ tầng cơ sở, công trình ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão; nâng cao chất lượng dự báo, năng lực điều hành của từng địa phương; huy động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác PCTT; đồng thời mời gọi, hợp tác các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong công tác dự báo, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai để Việt Nam chủ động ứng phó, giảm thiệt hại thời gian tới…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết