15/05/2024 - 07:47

Mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái số ngành ngân hàng 

Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số (CĐS) ngành Ngân hàng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã lựa chọn chủ đề thông điệp "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số". Chủ đề này hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và định hướng CĐS ngành Ngân hàng với việc lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo. Để đẩy mạnh hoạt động CĐS trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp tích cực với các ngành, lĩnh vực để phát triển hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp một cách tự động, nhanh chóng, an toàn với chi phí hợp lý.

Agribank giới thiệu máy ATM công nghệ mới cho phép giao dịch rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip tại sự kiện Ngày CÐS ngành Ngân hàng năm 2024. Ảnh: CTV

Hướng đi tất yếu

Xác định đẩy mạnh CĐS là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, ngày 11-5-2021, NHNN đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả CĐS. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc CĐS và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng như chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số; cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn... Những kết quả này đã được minh chứng qua nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các chương trình, kế hoạch, đề án về CĐS.

Theo NHNN, hiện nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỉ đồng/ngày (tương đương 40 tỉ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp. Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng, chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, hệ thống công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng (TCTD) đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời đạt các chứng chỉ quốc tế về đảm bảo an toàn bảo mật, tăng cường an ninh, phòng, chống các rủi ro tấn công an ninh mạng. Các TCTD ưu tiên bố trí nguồn lực cho CĐS và áp dụng chính sách đặc thù thu hút nhân lực cho CĐS; đồng thời chú trọng hợp tác các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt về lĩnh vực CĐS.

Khai thác dữ liệu, đầu tư hạ tầng số

Theo Vụ Thanh toán NHNN, CĐS ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phát huy những kết quả nêu trên, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ ưu tiên rà soát đánh giá kết quả, thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ tại Quyết định 810/QĐ-NHNN để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn ngành. Tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy CĐS ngành Ngân hàng. Tiếp tục triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hạ tầng công nghệ và chú trọng công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật thông tin trong quá trình CĐS ngân hàng. Bên cạnh đó, thống nhất chỉ đạo toàn ngành sắp xếp, bố trí nguồn lực hợp lý cho hoạt động CĐS và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu để cung ứng SP-DV tiện ích tới người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.

Dữ liệu đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, ngành Ngân hàng có nhiều dữ liệu, do đó, cần phải khai thác hiệu quả thông qua tạo lập dữ liệu chất lượng, thí điểm, xây dựng các quy định pháp lý liên quan... Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng dụng công nghệ số trong toàn ngành Ngân hàng chính là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong CĐS, ngành Ngân hàng cần chuyển sang quản trị số và cung cấp dịch vụ dựa trên dữ liệu số. NHNN xem xét triển khai một số nội dung liên quan đến trí tuệ nhân tạo, ứng dụng vào hoạt động điều hành linh hoạt hơn, cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn, xây dựng các mô hình phân tích, dự báo đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành chính sách tiền tệ, trong hoạt động ngân hàng và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, xây dựng hệ thống kết nối online để phục vụ công tác quản lý nhà nước và đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả... Ngành Ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị số của NHNN và các cơ quan quản lý tài chính khi đưa ra các quyết sách dựa trên dữ liệu gắn với đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là nền tảng cho chuyển đổi ngành Ngân hàng. Hợp tác chặt chẽ bộ, ngành cơ quan chức năng để xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh.

Tại sự kiện Ngày CĐS ngành Ngân hàng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo NHNN, các bộ ngành liên quan cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp lý, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu CĐS. Phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển; tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát triển hạ tầng thanh toán điện, hạ tầng thông tin tín dụng, ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc. Thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng Dịch vụ công quốc gia, của các bộ, ngành, địa phương... Tăng cường ứng dụng công nghệ vào điều hành, quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro, nâng cấp phát triển hệ thống ngân hàng lõi, phù hợp với quy mô hoạt động và yêu cầu quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, số hóa trong kiểm soát rủi ro. Số hóa để giảm thời gian, chi phí, đặc biệt là chống tiêu cực, kiểm soát nợ xấu. Phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp Đề án 06, tạo động lực thúc đẩy CĐS ngành Ngân hàng và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh xác thực thông tin khách hàng và hỗ trợ cung ứng các sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp...

MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết