20/05/2024 - 14:08

Phong phú và hiệu quả hoạt động giáo dục truyền thống trong học sinh 

Các trường học ở ĐBSCL thường xuyên thực hiện công tác giáo dục truyền thống trong học sinh với  những hình thức phù hợp, sinh động. Trong đó, hoạt động về nguồn thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Học sinh TP Cần Thơ tham quan Bến Nhà Rồng và nghe về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Ảnh: B.NG

Trong hành trình đến Khu di tích Xẻo Quít (tỉnh Đồng Tháp), 200 đoàn viên, thanh niên học sinh Trường THPT Cao Lãnh 2 tham quan khu trưng bày các hiện vật lịch sử; trải nghiệm khu vườn tràm, các công trình, hầm trú ẩn... được phục chế trực quan, tái hiện hoạt động của cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến. Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các trò chơi tập thể và giao lưu trả lời các câu hỏi “Tìm hiểu về Xẻo Quít”… Em Nguyễn Ngọc Giàu, học sinh lớp 11 của trường, bày tỏ sau hành trình về di tích, em và các bạn có thêm kiến thức, kỹ năng và hiểu hơn sự hy sinh của ông cha ta ngày xưa để có hòa bình, độc lập hôm nay; và cho biết thêm: “Sau chuyến đi, em và các bạn tham gia nhóm thực hiện, trình bày dự án với thông điệp bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát huy truyền thống lịch sử khu di tích Xẻo Quít…”. Thầy Lê Minh Trường, Bí thư Đoàn Trường THPT Cao Lãnh 2, cho biết thêm, dịp này Đoàn trường tổ chức lễ kết nạp 130 thanh niên ưu tú vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hoạt động này nhằm tăng cường giáo dục trong học sinh niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử địa phương. Đồng thời, giúp các em hiểu rõ việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ở Khu di tích Xẻo Quít cũng như tăng cường hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của học sinh...

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Liên đội Trường Tiểu học An Thạnh 2 (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) tổ chức hoạt động chăm sóc, thắp hương tại Đền thờ Liệt sĩ TP Hồng Ngự thường niên. Thầy Huỳnh Hoàng Sang, Tổng Phụ trách Đội Trường Tiểu học An Thạnh 2, chia sẻ: Hoạt động này, giúp các em hiểu rõ hơn về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và thể hiện lòng tri ân đối với các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ đó tạo động lực cho các em cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt... Liên đội còn phối hợp với Chi đoàn trường và Ban chấp hành Đoàn phường An Thạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Tự hào một dải non sông”, treo bản đồ Việt Nam tại các không gian học tập, làm việc và sinh hoạt dễ thấy nhất; góp phần nâng cao ý thức chủ quyền, quốc gia, dân tộc..

Tại tỉnh Vĩnh Long, Liên Đội Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Vĩnh Long) tổ chức thăm gia đình cựu chiến binh. Vừa qua, Liên đội Trường Tiểu học Hùng Vương kết hợp với Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Du, Hội đồng đội Phường 1 (TP Vĩnh Long) cùng đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Thành Lân, cựu chiến binh ngụ tại Phường 1, TP Vĩnh Long. Bên cạnh thăm hỏi, các em còn được nghe kể về truyền thống đấu tranh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc cũng như những kỷ niệm trong kháng chiến…

Tại TP Cần Thơ, hằng năm vào các ngày lễ lớn của đất nước, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố đều tổ chức cho học sinh các chuyến trải nghiệm hành trình về các di tích lịch sử như Khu Di tích Căn cứ Vườn Mận (quận Bình Thủy); Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ)… Đơn cử như Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai chỉ đạo các trường tổ chức học sinh đến chăm sóc và viếng Đền thờ Châu Văn Liêm, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại các xã, thị trấn. Các trường thành lập đoàn giáo viên và học sinh đến viếng Đền thờ Châu Văn Liêm, thắp hương tưởng nhớ đến người thầy giáo yêu nước, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, có công to lớn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, chính học sinh của các trường làm người hướng dẫn và thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Thới Lai, hoạt động này sẽ được duy trì và phát triển trong thời gian tiếp theo.

Các trường tiểu học trên địa bàn TP Cần Thơ cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan Đền thờ Vua Hùng (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), Đền thờ Bác Hồ (tỉnh Bạc Liêu), Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh), Khu di tích cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (tỉnh Đồng Tháp)… Anh Nguyễn Giang, có con trai đang học Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết hằng năm trường đều tổ chức chuyến đi trải nghiệm tham quan danh lam, khu di tích lịch sử. Cuối tháng 3-2024, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan Bến Nhà Rồng và nghe về lịch sử dân tộc, hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước… “Tôi nghĩ những hoạt động này giáo dục học sinh thêm tình yêu quê hương đất nước”, anh Nguyễn Giang chia sẻ.

*  *  *

Không chỉ hướng tới giáo dục truyền thống và lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, các hoạt động kể trên còn góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Đó là dạy học theo chủ đề, dạy học gắn với di sản… Qua đó, tạo cơ hội cho học sinh được khám phá, trải nghiệm thực tế; vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành các kỹ năng và phát triển phẩm chất, năng lực, giá trị sống của cá nhân.

NGỌC NGỮ

Chia sẻ bài viết